ĐOÀN THỂ   HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG   VĂN BẢN   LIÊN HỆ   FAQ   
HỘI NGHỊ - HỘI THẢO
Dự án BT – những lỗ hổng và giải pháp khắc phục

Với mục đích phân tích, trao đổi quan điểm và làm rõ bản chất của các dự án BT hiện nay và cơ sở pháp lý kiểm toán các dự án BT của KTNN; đánh giá thực trạng các dự án BT; thực trạng công tác kiểm toán dự án BT của KTNN và đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả các dự án BT, sáng 19 tháng 10, Kiểm toán nhà nước đã tổ chức Hội thảo khoa học “Cơ chế đầu tư BT – những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện”. Tới dự Hội thảo có Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc, các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Cao Tấn Khổng, Vũ Văn Họa, đại diện các đơn vị trong toàn ngành, cũng như đại diện các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ngành, cơ quan Trung ương, Hội nghề nghiệp, các Trường Đại học, Viện nghiên cứu, các Tập đoàn, Tổng công ty và các chuyên gia, các nhà khoa học.

Tổng KTNN phát biểu khai mạc Hội thảo

Ngay từ những năm đầu của thập kỷ 90, Việt Nam đã thu hút nguồn lực từ nước ngoài thông qua hình thức Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (gọi tắt là BT), một hình thức của đầu tư đối tác công tư (PPP) và sau đó mở rộng ra cả các nhà đầu tư trong nước. Sau một thời gian tạm lắng xuống của hình thức đầu tư này, hàng loạt doanh nghiệp, nhà đầu tư đã bộc lộ sự hạn chế về nguồn lực, dẫn đến không ít dự án trong tình trạng triển khai dở dang, kém hiệu quả. Thời gian gần đây, với nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu, rộng khiến cho nhu cầu về cơ sở hạ tầng ở hầu hết các lĩnh vực trọng yếu của quốc gia cũng như ở các địa phương tăng mạnh. Cùng với đó là áp lực giảm bội chi ngân sách và nợ công khiến cho việc thu hút đầu tư theo hình thức BT có sự tăng cường trở lại. Tuy nhiên, hình thức này cũng rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa hoặc những diện tích rộng lớn của địa phương. Khởi nguồn cho những bất cập tại nhiều dự án BT đã thực hiện là do việc không xây dựng và công bố kế hoạch dự án hoặc có nhưng chậm và công tác lựa chọn nhà đầu tư không cạnh tranh, hầu hết chỉ định thầu. Hệ quả là không phát huy tốt nhất được nguồn lực xã hội, nhiều nhà đầu tư tại thời điểm được thẩm định, đánh giá và lựa chọn để thực hiện dự án có năng lực tài chính hạn chế, không đảm bảo năng lực và thiếu kinh nghiệm quản lý. Nhà đầu tư yếu kém không đảm bảo tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, phải gia hạn hợp đồng, làm phát sinh tăng chi phí đầu tư và không hoàn thành đúng tiến độ để đảm bảo phục vụ các mục tiêu cấp bách, kịp thời như chủ trương đề ra ban đầu.

 

Tại Hội thảo, các ý kiến phát biểu đã thống nhất cao về vai trò cũng như đóng góp của các dự án BT đối với sự phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là trong việc phát triển cơ sở hạ tầng ở những địa phương còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đã chỉ ra những hạn chế của mô hình đầu tư theo hình thức BT và nguyên nhân dẫn đến hạn chế này như hành lang pháp lý còn nhiều sơ hở; một số dự án BT không nằm trong kế hoạch đầu tư; Hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu mà không thực hiện đấu thầu để chọn nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án; Quy định về thời điểm giao đất để thanh toán dự án BT và thời điểm giao dự án BT còn bất cập, không rõ ràng dẫn đến việc thanh toán dự án BT bằng quỹ đất không đảm bảo nguyên tắc ngang giá; Còn có tình trạng giao cho Nhà đầu tư tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát dẫn đến không đảm bảo tính khách quan; Công tác kiểm toán của KTNN còn tồn tại một số hạn chế như dự án BT được kiểm toán hiện nay chỉ mới dừng lại ở kiểm toán chi phí đầu tư thực hiện, chưa kiểm toán công tác thanh toán, giá trị thanh toán thông thường bằng giá trị quyền sử dụng đất, đây là hạn chế rất lớn của nhiều báo cáo kiểm toán hiện nay...

 

Với những phát hiện này, Hội thảo đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả các dự án BT, như: Hoàn thiện các quy định pháp luật về đầu tư theo hình thức BT, lấp đầy những khoảng trống và khoảng chồng chéo bằng việc bổ sung các quy định về kiểm toán kỹ thuật, kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động phục vụ cho các mục đích quản lý khác nhau; Khắc phục tình trạng chỉ định thầu từ việc xác định giá trị dự án, giá trị đất giao, đến các khâu lập tổng mức đầu tư, xác định đơn giá…; Xây dựng quy trình đánh giá chất lượng và định giá công trình hạ tầng đã được xây dựng; Quy định chặt chẽ về đánh giá năng lực khi lựa chọn Nhà đầu tư; KTNN cần xây dựng quy trình kiểm toán PPP nói chung và hợp đồng BT nói riêng; chú trọng kiểm toán các dự án BT ngay từ khâu lập chủ trương đầu tư, cho đến công bố danh mục dự án, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng, hoàn thành quyết toán và kết thúc việc thanh toán...; đưa ra các quy định cụ thể về yêu cầu công khai, minh bạch toàn bộ thông tin về dự án BT, tạo cơ chế để người dân địa phương tham gia giám sát và quy định về trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước có liên quan khi nhận được ý kiến giám sát của dân...

 

Diệu Thúy