ĐOÀN THỂ   HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG   VĂN BẢN   LIÊN HỆ   FAQ   
THÔNG TIN KHOA HỌC
Hội đồng khoa học KTNN tổ chức xét duyệt đề cương, thuyết minh Đề tài cấp Bộ năm 2018 (nhóm 2)

Sáng 22/01/2018, tại Kiểm toán nhà nước, Hội đồng xét duyệt đề cương, thuyết minh đề tài NCKH cấp Bộ năm 2018 đã họp và xét duyệt đề cương, thuyết minh các đề tài NCKH cấp Bộ đã được tuyển chọn nghiên cứu.

Tham gia xét tuyển có 5 để tài sau: Giải pháp tổ chức kiểm toán đánh giá chất lượng công trình trong kiểm toán dự án đầu tư của Kiểm toán nhà nước; Đổi mới tổ chức đoàn kiểm toán ngân sách địa phương; Đổi mới tổ chức đoàn kiểm toán các bộ, ngành, cơ quan trung ương; Các giải pháp điều kiện để nâng cao chất lượng kiểm toán đáp ứng yêu cầu Hiến định; Hoàn thiện phân cấp quản lý hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước;

Thông qua cuộc họp, Hội đồng xét duyệt đã đưa ra các yêu cầu về nội dung nghiên cứu cần phải đáp ứng của các đề tài này.

Đề tài 1: “Giải pháp tổ chức kiểm toán đánh giá chất lượng công trình trong kiểm toán dự án đầu tư của Kiểm toán nhà nước ”.

 

Hội đồng đánh giá đề tài như sau: Hiện nay, KTNN chưa đánh giá chất lượng công trình, cần hiểu nội dung: “đánh giá chất lượng công trình” có nghĩa là “đánh giá chất lượng thực thi công trình như thế nào?”. Ở các nước, việc đánh giá chất lượng công trình được thực hiện theo hình thức thuê chuyên gia. Do đó, nếu Kiểm toán viên nhà nước đánh giá chất lượng công trình thì chưa đúng mà việc đánh giá chất lượng công trình chỉ là một nội dung trong việc kiểm toán chất lượng công trình. Hơn nữa, liệu KTNN có đủ năng lực để có thể tư vấn chất lượng công trình? Và đơn vị có thể tin tưởng với những nội dung tư vấn của KTNN? Chất lượng công trình còn bao hàm cả chất lượng dự toán thiết kế, vấn đề lựa chọn biện pháp thi công. Đây là những vấn đề nghiên cứu liên quan mà thành viên Hội đồng đặt ra đối với đề tài.

Hội đồng đã góp ý một cách chi tiết để hoàn thiện đề cương của đề tài: đề tài cần xây dựng đề cương chi tiết hơn, nên lược bớt phần lý luận. Đặc biệt, cần nêu lý luận về tổ chức kiểm toán đánh giá chất lượng công trình. Tại Chương II, đề tài cần đi thẳng vào phân tích thực trạng tổ chức kiểm toán (những khó khăn, kinh nghiệm quốc tế hiện nay ra sao, KTNN có thể tham khảo những gì?..). Với giải pháp về đào tạo, tổ chức, đánh giá cấp chứng chỉ KTV cần nêu cụ thể: đơn vị nào đào tạo, đơn vị nào cấp chứng chỉ…liệu địa vị pháp lý của KTNN có thực hiện được chức năng này? Những khó khăn, bất cập?

KTNN có thể học hỏi, tham khảo mô hình KTNN Nhật Bản, họ sử dụng kết quả đánh giá chất lượng công trình của Trung tâm Giám định chất lượng công trình...Do đó, đề tài cần nghiên cứu và đề xuất các giải pháp mang tính khả thi hoặc đề tài tập trung vào các tiêu chí kiểm toán đánh giá chất lượng công trình (các giải pháp kiểm toán sâu).

 GS, TS. Đoàn Xuân Tiên – Chủ tịch Hội đồng xét duyệt kết luận: Đề tài xác định mục tiêu nghiên cứu chưa rõ ràng. Kiểm toán đánh giá chất lượng công trình phải có 3 mục tiêu: đánh giá, xác nhận và kiểm tra. Muốn đánh giá được phải kiểm tra, nếu KTNN xác nhận về chất lượng công trình thì rủi ro thuộc về phía KTNN. Do đó, KTNN chỉ xác nhận một phần về chất lượng công trình. Đề tài cần viết mục tiêu nghiên cứu rõ ràng hơn, không nên đi sâu vào vấn đề quản lý chất lượng công trình và thực trạng quản lý chất lượng công trình. Đề tài cần đáp ứng được 2 mục tiêu sau: phân tích thực trạng về tổ chức, đánh giá chất lượng công trình; đề xuất các giải pháp và các điều kiện để KTNN tổ chức kiểm toán đánh giá chất lượng công trình. Cụ thể đề cương như sau:

-         Chương I: Nghiên cứu tổng quan về chất lượng công trình và quản lý chất lượng công trình

Ý nghĩa và tầm quan trọng của chất lượng công trình (đây là yếu tố rất quan trọng, là sinh mệnh..); Vấn đề điều kiện đảm bảo chất lượng công trình dự án; Quy trình quản lý chất lượng công trình, trong đó: chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức trong quản lý chất lượng công trình (đặc biệt là vấn đề quản lý chất lượng công trình và các công cụ để kiểm tra, kiểm soát về chất lượng công trình)…

-         Chương II: Chức năng, nhiệm vụ của KTNN trong vấn đề kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình

Trong chương này, đề tài cần phân tích thực trạng về công tác kiểm toán đánh giá chất lượng công trình trong kiểm toán dự án đầu tư. Trong đó, trình bày khung pháp lý hoặc các quy định của pháp luật trong hoạt động kiểm toán dự án đầu tư và kiểm toán đánh giá chất lượng công trình của KTNN.

Thực trạng tổ chức kiểm toán đánh giá chất lượng công trình. Cần phân biệt được quản lý chất lượng công trình khác với đánh giá chất lượng công trình. Đề tài cần nêu được 2 vấn đề: đánh giá chất lượng công trình tức là kiểm toán tuân thủ quy trình quản lý chất lượng công trình; kiểm toán đánh giá và đưa ra ý kiến xác nhận về chất lượng công trình (liệu việc này KTNN đã thực hiện được chưa?) Hiện nay, KTNN chỉ thực hiện kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ. Việc đưa ra ý kiến về chất lượng công trình hoặc xác nhận về chất lượng công trình là chưa có. Điều này liên quan đến chức năng tư vấn của KTNN. Đề tài cần có một số ý kiến đánh giá về kết quả KTNN đã đạt được (ưu điểm, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân - khách quan, chủ quan)).

-         Chương III: Định hướng và giải pháp tổ chức kiểm toán đánh giá chất lượng công trình

Sự cần thiết của giải pháp tăng cường tổ chức kiểm toán đánh giá chất lượng công trình. Xu hướng vị thế KTNN, vai trò của KTNN trong đánh giá dự án, đưa ra ý kiến về các dự án quan trọng trọng điểm quốc gia; định hướng trong quá trình xây dựng các giải pháp để tổ chức kiểm toán đánh giá chất lượng công trình. Các giải pháp nên tập trung vào 2 mục tiêu: kiểm toán tuân thủ quản lý chất lượng; kiểm toán đánh giá được chất lượng công trình đó đảm bảo hoặc không đảm bảo. Để làm được điều này, KTNN phải tổ chức kiểm tra (thông qua máy móc, thuê chuyên gia hoặc tổ chức thẩm định - khi cần thiết). Các điều kiện thực hiện giải pháp về con người, cơ sở vật chất, cơ sở pháp lý. Chất lượng công trình thể hiện qua các khía cạnh: khối lượng – đảm bảo theo đúng thiết kế, dự toán; chất lượng các vật tư, thiết bị; biện pháp thi công phù hợp; mẫu để kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình phải phù hợp.

 

Đề tài 2: “Đổi mới tổ chức đoàn kiểm toán ngân sách địa phương”.

 

Hội đồng góp ý như sau: Đề tài nên chỉnh sửa tên thành: “Đổi mới tổ chức kiểm toán ngân sách địa phương” vì tổ chức đoàn kiểm toán chỉ là một nội dung trong tổ chức kiểm toán. Với phạm vi đề tài cấp Bộ, nếu để tên đề tài là “tổ chức đoàn kiểm toán” thì phạm vi còn hẹp, do đó chỉnh sửa thành “tổ chức kiểm toán ngân sách địa phương”.

Ngân sách địa phương bao gồm: ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Hiện nay, đề cương đang xây dựng ngân sách địa phương mới chỉ dừng lại ở: “ngân sách tỉnh”. Do đó, đề tài cần xem lại đối tượng nghiên cứu.

Về nhân tố ảnh hưởng đến tổ chức kiểm toán cần bổ sung nhân tố về quy mô cuộc kiểm toán và nội dung kiểm toán. Quy mô kiểm toán quyết định đến cách thức tổ chức đoàn, tổ kiểm toán. Hiện nay, KTNN mới chỉ phân quyền mà chưa phân cấp, do đó đề tài xem lại nội dung mục 1.3.1 (phân cấp quản lý hoạt động kiểm toán của KTNN).

Cuộc kiểm toán ngân sách địa phương có nhân tố ảnh hưởng lớn nhất đến cách thức tổ chức kiểm toán đó là: đặc điểm ngân sách địa phương (ngân sách tỉnh, huyện, xã). Ngân sách tỉnh có nhiều đơn vị dự toán, ngân sách huyện có các đơn vị dự toán và bao gồm cả ngân sách xã.

GS. Đoàn Xuân Tiên kết luận như sau: Tên đề tài sửa thành: “Đổi mới tổ chức kiểm toán ngân sách địa phương theo Hiến định”

Trong tổ chức kiểm toán cần lưu ý: Mô hình tổ chức (các mô hình), tổ chức theo 1 đoàn hay nhiều đoàn?  Hình thức tổ chức đoàn có thể 1 đoàn thực hiện 1 nội dung kiểm toán - 1 cấp ngân sách hay lồng ghép? Về thời gian kiểm toán, liệu có nhất thiết khi có báo cáo quyết toán thì mới kiểm toán. Thời gian kiểm toán thực hiện theo 1 đợt, 2 đợt hay 3 đợt..Tổ chức kiểm toán đổi mới về tổ chức kiểm toán tổng hợp và chi tiết (xu hướng tăng thời gian kiểm toán tổng hợp, giảm chi tiết – tiếp cận rủi ro). Thông thường tiến hành kiểm toán tổng hợp trước sau đó mới kiểm toán chi tiết. Hiện nay KTNN đang thực hiện kiểm toán chi tiết trước sau đó mới kiểm toán tổng hợp).

Việc đổi mới tổ chức kiểm toán cần bám theo quy trình kiểm toán: từ khâu khảo sát, thu thập thông tin, Lập kế hoạch kiểm toán, phân công nhiệm vụ, thực hiện kiểm toán ra sao đối với đoàn, tổ, Lập báo cáo kiểm toán, việc kiểm tra thực hiện kiến nghị.. Vấn đề kiểm tra soát xét của Tổ trưởng, Trưởng đoàn kiểm toán trong các giai đoạn kiểm toán đặc biệt là giai đoạn thực hiện kiểm toán. Mục tiêu đổi mới phải đáp ứng: chất lượng cuộc kiểm toán, chất lượng báo cáo kiểm toán; tiết kiệm thời gian, kinh phí, nhân lực..và đáp ứng yêu cầu ngân sách các cấp đặc biệt là thông qua quyết toán ngân sách địa phương?

 

Đề tài 3: Đổi mới tổ chức đoàn kiểm toán các Bộ, ngành, cơ quan trung ương của KTNN

 

Hội đồng góp ý đề tài như sau: Theo Luật KTNN mới, có thể sửa tên đề tài thành: “Đổi mới tổ chức kiểm toán tài chính, tài sản công tại các Bộ, cơ quan trung ương”. Dựa trên đề cương do Ban đề tài xây dựng, đề tài cần phân tích rõ hơn yếu tố ảnh hưởng đến tổ chức đoàn kiểm toán, đó là: cơ chế quản lý và phân cấp quản lý. Từ đó, đề tài đưa ra giải pháp cụ thể như thế nào?

GS, TS. Đoàn Xuân Tiên kết luận như sau: Xuất phát từ đặc điểm tài chính, tài sản công tại các Bộ, cơ quan trung ương sẽ tổ chức kiểm toán 1 đoàn hay nhiều đoàn. Nếu quy mô lớn thì có thể tách nhiều đoàn (kiểm toán cục hay tổng cục thì cách thức tổ chức đoàn sẽ khác nhau..). Mục tiêu kiểm toán không chỉ kiểm toán giá trị mà là kiểm toán hoạt động (đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả). Tiến hành kiểm toán tổng hợp, đi sâu vào kiểm toán tổng hợp tại các Bộ, ngành. Từ đó, đưa ra phương án đề xuất, đối chiếu lại với mục tiêu đặt ra để xem có đạt được không?

 

Đề tài 4: Các giải pháp điều kiện để nâng cao chất lượng kiểm toán đáp ứng yêu cầu hiến định

 

Đề cương đề tài còn chung chung, chưa chi tiết, phạm vi nghiên cứu còn trùng lặp với đối tượng nghiên cứu. Phạm vi nghiên cứu mới chỉ giới hạn về thời gian, chưa có giới hạn về không gian nghiên cứu. Đề tài cần bổ sung giới hạn về không gian nghiên cứu.

Có thể nói nhân tố ảnh hưởng mang tính quyết định tới chất lượng kiểm toán đó là nhân sự và phương pháp kiểm toán. Do đó, đề tài cần đi sâu vào phân tích nhân sự kiểm toán – chất lượng đội ngũ và phân tích phương pháp kiểm toán (cách thức tổ chức kiểm toán).

GS, TS. Đoàn Xuân Tiên kết luận như sau: Chức năng nhiệm vụ của KTNN hiện nay có gì mới so với trước đây, tính pháp lý của Báo cáo kiểm toán đòi hỏi KTNN phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về giá trị pháp lý của Báo cáo kiểm toán - điều này ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm toán, đối tượng kiểm toán. Với 3 loại hình kiểm toán (kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động). Kiểm toán hoạt động phải ở tầm cao hơn, tức là đánh giá được tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả của việc quản lý và sử dụng nguồn tài sản công.

Điều kiện để thực hiện Hiến định, cần chỉ rõ các điều kiện: cơ sở pháp lý, tính độc lập của KTNN, chuyên môn nghề nghiệp trong đó chú trọng đạo đức nghề nghiệp, cơ sở vật chất của KTNN, vấn đề tổ chức… Tính độc lập được hiểu là độc lập về quyết định ngân sách, quan điểm về các giải pháp điều kiện (sửa Luật KTNN, Nghị định xử phạt cũng được Luật hóa..). Sự cần thiết phải có các giải pháp và quan điểm các giải pháp (phải đảm bảo tính đồng bộ và tính phù hợp)…

 

Tên đề tài 5: Hoàn thiện phân cấp quản lý hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước

 

Hội đồng đề nghị Ban đề tài làm rõ, Đề tài nghiên cứu về hoàn thiện phân cấp trong hoạt động kiểm toán hay phân cấp nói chung? Nhân tố ảnh hưởng tác động đến phân cấp quản lý cần làm rõ hơn, mỗi nhân tố ảnh hưởng đến các mô hình đưa ra trong phân cấp quản lý có những ưu, nhược điểm gì so với đặc điểm tổ chức hoạt động hiện nay. Đồng thời, cần phân tích phân cấp của KTNN có những ưu nhược điểm gì? Trong các mô hình phân cấp, mô hình nào tiên tiến nhất. Nêu rõ tại sao chỉ đưa ra mô hình KTNN đến năm 2025? Vì chiến lược phát triển KTNN đang xây dựng hướng tới năm 2030.

GS, TS. Đoàn Xuân Tiên đã chốt kết luận như sau: Ban đề tài cần bổ sung nội dung quản lý hoạt động kiểm toán là gì, đối tượng và chủ thể quản lý hoạt động kiểm toán. Quản lý cần cần nêu rõ chủ thể và khách thể quản lý. Nội dung quản lý hoạt động kiểm toán rất rộng. Cần làm rõ hơn mục tiêu phân cấp, nội dung phân cấp và các điều kiện phân cấp (khác với điều kiện thực hiện hoàn thiện)…Cần nêu rõ điều kiện: phải có quy định rõ ràng về trách nhiệm, phải có đủ năng lực, trình độ để đạt được mục tiêu phân cấp đó.../.

     T. Nam