ĐOÀN THỂ   HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG   VĂN BẢN   LIÊN HỆ   FAQ   
THÔNG TIN KHOA HỌC
Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở: Vận dụng phương pháp thẻ điểm cân bằng để hoàn thiện tiêu chí đánh giá trong kiểm toán hoạt động các dự án hạ tầng đô thị
Ngày 20/6/2018, tại Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Hội đồng khoa học KTNN đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở: “Vận dụng phương pháp thẻ điểm cân bằng để hoàn thiện tiêu chí đánh giá trong kiểm toán hoạt động các dự án hạ tầng đô thị” do Ths. Trần Hoàng Hải và Ths. Lê Chí Dũng làm đồng chủ nhiệm. Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu là PGS, TS. Nguyễn Đình Hòa - Quyền Giám đốc Trường. Tham dự buổi nghiệm thu có đầy đủ các thành viên Hội đồng nghiệm thu và các thành viên của Ban đề tài.

Đề tài: “Vận dụng phương pháp thẻ điểm cân bằng để hoàn thiện tiêu chí đánh giá trong kiểm toán hoạt động các dự án hạ tầng đô thị”, được kết cấu thành 2 chương, Chương 1: Tổng quan về thẻ điểm cân bằng và thực trạng kiểm toán các dự án hạ tầng đô thị; Chương 2: Vận dụng phương pháp thẻ điểm cân bằng để hoàn thiện tiêu chí đánh giá trong kiểm toán hoạt động các dự án hạ tầng đô thị.

Sau khi Ths. Ngô Thu Thủy - Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác quốc tế công bố quyết định nghiệm thu và giới thiệu đại biểu, Hội đồng đã nghe đại diện Ban chủ nhiệm trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu.

Thẻ điểm cân bằng là một phương pháp đánh giá hiệu quả công việc tiên tiến được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Trên cơ sở nghiên cứu về tính khả dụng của Thẻ điểm cân bằng, đề tài đã xác định 4 tiêu chí đánh giá tổng quát trong kiểm toán hoạt động các dự án hạ tầng đô thị. Ban đề tài cũng đưa ra các giải pháp và xây dựng bảng tính Excel góp phần hoàn thiện cho việc ứng dụng vào thực tế.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá Đề tài đã đưa ra một số tiêu chí tổng quát thành lập thẻ điểm cân bằng, xây dựng hàm đa mục tiêu tổng hợp kết quả đánh giá, hoàn thiện khung chỉ tiêu đánh giá đối với từng tiêu chí tổng quát thành lập thẻ điểm cân bằng…

Ban Chủ nhiệm đề tài đã mạnh dạn đề xuất cách tiếp cận mới nhằm hoàn thiện tiêu chí đánh giá trong kiểm toán các dự án hạ tầng đô thị.

Bên cạnh đó Hội đồng cũng góp ý để đề tài hoàn thiện và có giá trị cao hơn cụ thể là: (1) Đề tài trình bày còn khá sơ sài, việc vận dụng thẻ điểm cân bằng chỉ đơn thuần là việc lấy các nội dung kiểm toán hiện nay đang thực hiện trong lĩnh vực đầu tư xây dựng để áp vào bốn khía cạnh của phương pháp thẻ điểm cân bằng. Tuy nhiên việc áp dụng này còn nhiều hạn chế do chưa phân biệt rõ đối tượng đo lường đánh giá là “hoạt động” có điểm khác biệt gì so với “tổ chức”. (2) Về tên đề tài nghiên cứu là “Vận dụng phương pháp thẻ điểm cân bằng để hoàn thiện tiêu chí đánh giá trong kiểm toán hoạt động các dự án hạ tầng đô thị”, tuy nhiên trong các phần của Đề tài tác giả chưa chỉ ra được việc vận dụng đã được thực hiện và đề tài này nghiên cứu để hoàn thiện nên tên đề tài còn có điểm chưa phù hợp.   (3) Trong phần tính cấp thiết của đề tài: tác giả cần xem lại một số nhận định chưa chính xác như: Hiệu quả đầu tư của dự án gồm tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả; một số dự án lớn lại là một sản phẩm đặ thù nên yếu tố tài chính chưa phải là vấn đề trọng yếu. Ngoài ra, để cho thấy tính cấp thiết của việc nghiên cứu các tác giả cũng chưa cho người đọc thấy được các cuộc kiểm toán về dự án đầu tư nói chung và kiểm toán đôi với các dự án hạ tầng đô thị nói riêng, KTNN chưa vận dụng hoặc vận dụng nhưng còn hạn chế phương pháp này từ đó cần phải tiếp tục nghiên cứu. (4) Về đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu được các tác giả nêu là các dự án hạ tầng đô thị được KTNN kiểm toán là chưa đúng với mục tiêu, nội dung nghiên cứu (đối tượng nghiên cứu phải là: Nghiên cứu về KTHĐ, nghiên cứu phương pháp thẻ điểm cân bằng, nghiên cứu các cuộc kiểm toán dự án hạ tầng đô thị của KTNN…). (5) Về nội dung: Chương 1 việc trình bày các nội dung còn khá lộn xộn, thiếu tính logic. Ngoài ra, khi trình bày về thực trạng chung về kết quả kiểm toán các dự án đầu tư của KTNN nội dung trình bày với dung lượng quá ít và các vấn đề được đề cập còn chưa chính xác. Tại Chương 2, Ban đề tài trình bày các nội dung vận dụng phương pháp thẻ điểm cân bằng để xây dựng các tiêu chí đánh giá khi kiểm toán hoạt dộng các dự án hạ tầng đô thị, tuy nhiên để đề xuất các tiêu chí đề tài chưa gắn kết được những hạn chế của việc kiểm toán các dự án hạ tầng đô thị tong thời gian qua nên chưa thuyết phục được người đọc. Ban đề tài cần xác định rõ mục tiêu, trọng tâm, nội dung, phương pháp và thủ tục kiểm toán khi áp dụng khung chỉ tiêu thẻ điểm cân bằng. Đặc biệt tính ưu việt của phương pháp thẻ cân bằng đối với việc đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán, đây là vấn đề được KTNN đặc biệt quan tâm. Ngoài ra, Ban đề tài cần bổ sung các giải pháp và điều kiện áp dụng phương pháp này, bao gồm: Nhận thức về việc vận dụng phương pháp thẻ điểm cân bằng (cần thiết, ưu điểm…); đào tạo, tập huấn…, công nghệ thông tin, tổ chức thực hiện (Đoàn, Tổ kiểm toán…).

Kết luận buổi nghiệm thu, PGS, TS. Nguyễn Đình Hòa đánh giá cao nỗ lực nghiên cứu của Ban đề tài. Để hoàn thiện đề tài, Ban đề tài cần nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của Hội đồng nghiệm thu, đồng thời đề tài cần hoàn thiện các nội dung sau: Hoàn thiện các lỗi chính tả và kết cấu lại các mục trong đề tài cho phù hợp; chỉnh sửa lại một số nhận định, đánh giá đảm bảo có cơ sở và luận cứ khoa học; hoàn thiện lại mục tiêu, phương pháp, đối tượng nghiên cứu; hoàn thiện cách thức vận dụng thẻ điểm cân bằng trong việc xác định tiêu chí.

Kết quả đề tài xếp loại:  Đạt./.                                                                                        

MC