ĐOÀN THỂ   HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG   VĂN BẢN   LIÊN HỆ   FAQ   
THÔNG TIN KHOA HỌC
Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở: Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đào tạo của Kiểm toán nhà nước

Thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ năm 2018 của KTNN, chiều 12 tháng 4 năm 2019, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đào tạo của Kiểm toán nhà nước” do TS. Nguyễn Hữu Hiểu, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán và TS. Lê Anh Vũ, KTNN Chuyên ngành VII làm đồng chủ nhiệm. Hội đồng do PGS.TS Nguyễn Đình Hòa, Q.Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán làm chủ tịch.

Trong những năm qua, công tác quản lý đào tạo của KTNN (do Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thực hiện) chủ yếu được thực hiện thủ công. Do chưa ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhiều nên để đạt được mục tiêu quản lý tốt công tác đào tạo cần nhiều nhân sự và thời gian; việc lưu trữ thông tin về kết quả đào tạo chưa mang tính hệ thống. Nhiều thông tin không được lưu trữ, bị thất lạc hoặc mất nhiều thời gian để tìm kiếm. Sự kết nối giữa hoạt động đào tạo với công tác quản lý nhân sự còn bất cập do sự liên thông giữa các lĩnh vực còn hạn chế. Khả năng cung cấp thông tin về hoạt động đào tạo phục vụ công tác quản trị thấp. Sự ứng dụng CNTT để phục vụ công tác quản lý đào tạo sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản trị hoạt động đào tạo của KTNN do Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán quản lý; từ đó nâng cao hiệu quả quản lý nguồn nhân lực của KTNN; tiết kiệm thời gian, nhân sự…

Đề tài “Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đào tạo của Kiểm toán nhà nước” do đó được tiến hành nhằm tìm kiếm giải pháp để ứng dụng CNTT trong công tác quản lý đào tạo của KTNN. Sản phẩm của đề tài là cơ sở (nội dung chuyên môn và yêu cầu kỹ thuật) để phục vụ việc thiết kế Phần mềm quản lý đào tạo của KTNN.

Đề tài được kết cấu thành 02 chương, phân tích tổng quan ứng dụng CNTT trong công tác quản lý đào tạo của KTNN và những nội dung và yêu cầu kỹ thuật của Phần mềm quản lý đào tạo của Kiểm toán nhà nước. Trong đó, Ban đề tài đã chỉ ra những nét cơ bản của công tác đào tạo nói chung, công tác quản lý đào tạo nói riêng cũng như những kết quả và hạn chế của việc ứng dụng CNTT trong quản lý đào tạo của KTNN. Từ việc phân tích thực trạng nêu trên, Ban đề tài đã vạch ra một số nội dung chính của phần mềm như: Khởi tạo lớp học/tập huấn/tọa đàm; Lập kế hoạch đào tạo hàng năm; Triển khai đào tạo; Đánh giá chất lượng đào tạo; Xác định chi phí đào tạo; Trích xuất các báo cáo; Phân quyền (nhiệm vụ) vận hành phần mềm quản lý đào tạo. Để thiết lập được phần mềm đảm bảo các nội dung như trên, theo Ban đề tài, cần đảm bảo các nền tảng công nghệ như: Tương thích với hệ thống CNTT tại KTNN và các đặc thù nghiệp vụ; Thiết kế dạng mở để nâng cấp, bổ sung khi cần thiết; An toàn bảo mật ứng dụng; An toàn bảo mật ứng dụng cùng một số yêu cầu kỹ thuật khác.

Thay mặt Hội đồng nghiệm thu, PGS.TS Nguyễn Đình Hòa đánh giá việc tổ chức nghiên cứu đề tài là hết sức cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn trong giaia đoạn hiện nay. Đề tài đã xác định rõ mục tiêu, nối dung, đối tượng và phương pháp nghiên cứu. Đề tài đã đề xuất các giải pháp để xây dựng phần mềm quản lý đào tạo bồi dưỡng bao gồm yêu cầu về nội dung các giải pháp công nghệ và điều kiện ứng dụng các phần mềm này. Hội đồng cũng khuyến nghị ban đề tài sửa chữa các lỗi kỹ thuật, giới hạn phạm vi nghiên cứu về ứng dụng CNTT là xây dựng phần mềm và các điều kiện để ứng dụng CNTT, phạm vi ứng dụng của Trường, kết cấu lại các nội dung của 2 chương không chỉ đảm bảo sự gắn kết mà còn đảm bảo cân đối về dung lượng.

Đề tài được xếp loại Khá.

Diệu Thúy