ĐOÀN THỂ   HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG   VĂN BẢN   LIÊN HỆ   FAQ   
TIN HOẠT ĐỘNG
Kiểm toán nhà nước tổ chức Hội thảo “Kiểm toán nhà nước trong tiến trình phát triển đất nước”

Ngày 6/6/2019, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước tổ chức Hội thảo khoa học " Kiểm toán nhà nước trong tiến trình phát triển đất nước". Tới dự buổi Hội thảo có PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên BCH TW Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh, ông Đỗ Bình Dương- nguyên Tổng KTNN, TS. Nguyễn Hữu Vạn - nguyên Tổng KTNN, TS. Vũ Văn Họa - Phó Tổng KTNN; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ban ngành, HĐND, UBND một số tỉnh, thành phố; đại diện các tập đoàn, tổng công ty, các hiệp hội, các công ty kiểm toán, viện nghiên cứu, trường Đại học trên cả nước. GS.TS Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng KTNN, TS. Bùi Đặng Dũng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội; PGS.TS Nguyễn Đình Hòa - Q. Giám đốc Trường ĐT&BD nghiệp vụ Kiểm toán chủ tọa điều hành Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết: Kiểm toán nhà nước được thành lập theo Nghị định số 70/CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ với chức năng kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán của các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế Nhà nước, và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội có sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp. Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, Kiểm toán nhà nước đã từng bước hoàn thiện và phát triển cả về khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy, nội dung và chất lượng hoạt động.

Số lượng các cuộc kiểm toán đã được tăng lên qua từng năm và dần đi vào nề nếp, có trật tự, kỷ cương theo hướng chuyên nghiệp hoá; ngày càng phát huy tốt hơn vai trò của mình là công cụ của Đảng và Nhà nước trong phòng chống tham nhũng, lãng phí. Những kiến nghị của Kiểm toán nhà nước được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sử dụng ngày càng nhiều trong xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật và chính sách về kinh tế - xã hội. Kể từ khi thành lập đến hết năm 2018, Kiểm toán nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 414.145 tỷ đồng, kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ hàng trăm văn bản sai quy định hoặc không còn phù hợp với thực tế, bịt các lỗ hổng về chính sách, đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền ban hành...

Ban điều hành Hội thảo

Những năm qua, Kiểm toán nhà nước không ngừng thiết lập và phát triển quan hệ hợp tác với cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) của các nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế. Kiểm toán nhà nước Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) từ tháng 7/1996, là thành viên chính thức của Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) từ tháng 1/1997. Đặc biệt, năm 2018 đánh dấu uy tín và sự phát triển lớn mạnh của Kiểm toán nhà nước Việt Nam trong cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới, khi Kiểm toán nhà nước Việt Nam vinh dự được lựa chọn là nước chủ nhà đăng cai Đại hội Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 và Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam được Đại hội bầu giữ cương vị Chủ tịch ASOSAI.

 

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Taị Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, tập trung làm sáng tỏ những kết quả, thành tựu đạt được trong 25 năm qua của Kiểm toán nhà nước và những vấn đề đặt ra đối với Kiểm toán nhà nước hiện nay; trao đổi để tìm ra giải pháp cụ thể hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và nghề nghiệp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự và phát triển chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán để nâng cao hơn nữa vai trò của Kiểm toán nhà nước đối với công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng phát biểu tại Hội thảo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng khẳng định, một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội thời gian qua chính là Kiểm toán nhà nước - công cụ kiểm tra tài chính nhà nước hữu hiệu phục vụ Quốc hội giám sát hoạt động kinh tế, tài chính quốc gia.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước liên quan đến nhiều cấp cơ quan nhà nước, nhiều đơn vị với những tính chất hoạt động đa dạng, phức tạp. Những sai sót, sai phạm xảy ra trong quá trình quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước làm giảm hiệu quả, hiệu lực của ngân sách nhà nước. Kỷ luật tài chính - ngân sách chỉ được tôn trọng hơn khi có sự giám sát của các cơ quan hữu quan. Với hoạt động kiểm toán ngân sách được triển khai từ Trung ương đến địa phương, Kiểm toán nhà nước có điều kiện thuận lợi phối hợp với các cơ quan của Quốc hội thực hiện chức năng giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội cũng như các văn bản pháp lý khác có liên quan đến ngân sách nhà nước.

Thông qua cơ chế phối hợp này, Kiểm toán nhà nước cũng có điều kiện đóng góp, trao đổi về chuyên môn ngân sách nhà nước cũng như tình hình thực tiễn từ các cuộc kiểm toán triển khai trên địa bàn cả nước để các cơ quan của Quốc hội tham mưu, giúp việc nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của Quốc hội trong việc ban hành các văn bản pháp lý về ngân sách nhà nước.

PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo

Tới dự Hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ các văn bản có liên quan đến quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước không phù hợp với thực tiễn hoặc trái với quy định hiện hành cùng với những kiến nghị , đề xuất xử lý tài chính. Những kiến nghị, đề xuất đã góp phần làm minh bạch chính sách tài chính, minh bạch trong xác định nguồn thu, mức thu, số thu ngân sách nhà nước và minh bạch trong chi tiêu ngân sách, từ đó góp phần làm minh bạch và lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Theo PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt, việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính ở các trường đại học công lập có liên quan trực tiếp đến hiệu quả kinh tế xã hội nói chung và là nhân tố quan trọng trong việc phát triển nhà trường. Do đó, phải có sự quản lý, giám sát, kiểm tra nhằm hạn chế, ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực trong khai thác và sử dụng nguồn lực tài chính, đồng thời nâng cao hiệu quả việc sử dụng các nguồn tài chính. Vì vậy, vai trò của Kiểm toán nhà nước đối với việc góp phần hoàn thiện cơ chế tài chính trong các trường đại học công lập nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng đào tạo là đáng trân trọng và ghi nhận.

Để giúp công tác quản lý tài chính tại các trường đại học được hoàn thiện, PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt cho rằng, thông qua các báo cáo kết quả kiểm toán, Kiểm toán nhà nước cần chỉ ra những bất hợp lý trong việc quản lý thu, chi đối với từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công; tiêu chí phân loại các đơn vị sự nghiệp công lập; tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng dịch vụ của đơn vị theo ngành, lĩnh vực; hệ thống tiêu chuẩn chức danh những người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra, các biểu mẫu của Kiểm toán nhà nước khi kiểm toán nên thiết kế phù hợp với chế độ kế toán của các trường đại học đang áp dụng nhằm giúp đơn vị được kiểm toán cung cấp số liệu được thuận lợi.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, GS.TS Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh: Sau một buổi sáng làm việc nghiêm túc với tinh thần khẩn trương, tích cực, khoa học và trách nhiệm, Hội thảo “Kiểm toán nhà nước trong tiến trình phát triển đất nước” do KTNN tổ chức đã hoàn thành chương trình đề ra.

Tham gia Hội thảo có trên 300 đại biểu đến từ các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, HĐND, UBND các tỉnh thành trên cả nước,  hội nghề nghiệp, các trường Đại học, viện nghiên cứu và các đơn vị trực thuộc KTNN, các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan thông tấn, báo chí, đài phát thanh, truyền hình đã đến dự và đưa tin về Hội thảo. Hội thảo nhận được 56 bài viết đăng trong Kỷ yếu, 6 bài tham luận được trình bày và các ý kiến trao đổi, phát biểu thảo luận trực tiếp tại hội trường hết sức sôi nổi.

Thông qua các bài viết đăng trong kỷ yếu, các bài tham luận đã trình bày cũng như ý kiến thảo luận trực tiếp, Hội thảo đã đề cập tương đối toàn diện từ góc độ lý luận cũng như góc độ thực tiễn về vai trò của KTNN, là một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả và hiệu lực của việc sử dụng tài chính công, tài sản công.

Các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo sẽ được Lãnh đạo KTNN nghiên cứu, tiếp thu tối đa để KTNN có nhiều đổi mới, sáng tạo và khoa học, nhằm xây dựng các giải pháp hữu hiệu để đạt được nhiều thành tựu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó, nhằm đáp ứng tốt hơn với những kỳ vọng, niềm tin và sự mong đợi của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân.

Thay mặt cơ quan tổ chức Hội thảo, GS.TS Đoàn Xuân Tiên tuyên bố bế mạc Hội thảo và chân thành cảm ơn sự có mặt của tất cả các đại biểu, chân thành cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh truyền hình của Trung ương và địa phương đã theo dõi, tuyên truyền góp phần vào sự thành công của Hội thảo.

KH