ĐOÀN THỂ   HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG   VĂN BẢN   LIÊN HỆ   FAQ   
THÔNG TIN KHOA HỌC
Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở: Giải pháp nâng cao kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước

Thực hiện Quyết định số 158/QĐ-TrĐT của Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, chiều 13 tháng 9 năm 2019, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Giải pháp nâng cao kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước” do CN. Ninh Trần Nam và CN. Đỗ Hồng Thúy (KTNN Khu vực VII) làm đồng chủ nhiệm. PGS.TS Nguyễn Đình Hòa, Q. Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Trong những năm qua, hoạt động kiểm toán đã có những chuyển biến mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu. Ngoài việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, Kiểm toán nhà nước đã có nhiều kiến nghị có giá trị giúp cho các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật để hoàn thiện cơ chế quản lý tiền, tài sản nhà nước. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, công tác kiểm toán chỉ mới chú trọng khâu phát hiện, kiến nghị, xử lý sai phạm. Trong khi đó, hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm toán phụ thuộc rất lớn vào việc nhận thức và triển khai đầy đủ các kết luận, kiến nghị sau kiểm toán được xử lý như thế nào. Theo báo cáo của ngành và các đơn vị cho thấy kết quả của việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa cao, tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản thất thoát và việc thực hiện các kiến nghị khác trong các kết luận kiểm toán cũng chiếm tỷ lệ không cao. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Trước tình hình đó, Ban chủ nhiệm tiến hành nghiên cứu đề tài nhằm nghiên cứu một số vấn đề chung về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; phân tích, đánh giá thực trạng công tác thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; đưa ra các giải pháp để nâng cao kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước trong thời gian tiếp theo.

Kết luận, kiến nghị của KTNN là một trong những nhân tố góp phần đảm bảo duy trì tính kinh tế, hiệu quả trong hoạt động kinh tế. Kết luận, kiến nghị của KTNN có tác dụng răn đe, ngăn ngừa các sai phạm trong quản lý tài chính công, tài sản công và cung cấp các thông tin tin cậy cho Quốc hội về các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng NSNN, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước. Thông qua kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN cung cấp cơ sở dữ liệu cho Chính phủ, các cơ quan chức năng ra quyết định và quản lý NSNN sát thực và có hiệu quả hơn.

Đề tài đã chỉ ra được các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN; đánh giá tổng quan về hoạt động và thực trạng kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, cụ thể về thực trạng chất lượng các kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, thực trạng công tác kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, thực trạng công tác theo dõi tổng hợp việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước về những mặt đạt được cũng như các tồn tại, hạn chế. Từ việc chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế này, đề tài đề xuất một số giải pháp nâng cao kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Các nhóm giải pháp bao gồm: Thứ nhất, nhóm giải pháp về hoàn thiện hệ thống pháp luật và các văn bản liên quan và  các chế tài xử lý đối với các sai phạm được phát hiện trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Thứ hai, giải pháp về nâng cao chất lượng đối với công tác kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Thứ ba, về nâng cao chất lượng lập báo cáo kiểm toán và chất lượng của các kiến nghị kiểm toán. Thứ tư, nâng cao chất lượng theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN.

Nhận xét về đề tài, Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao tinh thần nghiên cứu của Ban chủ nhiệm. Đề tài đã phân tích được một cách hệ thống những vấn đề chung về thực hiện kết luận kiến nghị của KTNN; đánh giá được thực trạng thực hiện kết luận kiến nghị kiểm toán của KTNN, đánh giá tổng quan về hoạt động và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; nhận diện được nguyên nhân của kết kết thực hiện trong thời gian qua. Đề tài đã đề xuất được các giải pháp nhằm nâng cao kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN để hoàn thiện hệ thống pháp luật, các chế tài xử lý đối với sai phạmđược phát hiện. Ngoài ra, hội đồng cũng chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục của đề tài.

 

Đề tài được Hội đồng thống nhất xếp loại Xuất sắc.

 

Diệu Thúy