ĐOÀN THỂ   HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG   VĂN BẢN   LIÊN HỆ   FAQ   
THÔNG TIN KHOA HỌC
Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước; phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh

Ngày 16/7/2020, được sự đồng ý của Tổng Kiểm toán nhà nước và Tổng Thanh tra Chính phủ trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật và thực thi chính sách, pháp luật để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán doanh nghiệp nhà nước nhằm hoàn thiện đề cương các tài liệu trong hồ sơ trình Chính phủ ban hành Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước; phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước”, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán phối hợp với Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra tổ chức Tọa đàm cùng tên.

Tọa đàm do TS Nguyễn Quốc Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra và ThS Lê Minh Nam, Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán chủ trì. Tham dự buổi tọa đàm có đại diện Ban soạn thảo, Tổ biên tập đề án, Cơ quan thường trực xây dựng đề án và đại diện Lãnh đạo, công chức của các đơn vị chuyên môn trực thuộc Kiểm toán nhà nước.

Trong nền kinh tế quốc dân, các doanh nghiệp nhà nước có vai trò hết sức quan trọng. Doanh nghiệp nhà nước đã và đang thể hiện được vai trò quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh và bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước cũng còn nhiều bất cập, hạn chế, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ. Cơ chế quản trị doanh nghiệp nhà nước chậm được đổi mới, kém hiệu quả, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch còn hạn chế, còn có tình trạng tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, dẫn đến nợ nần, thua lỗ, thất thoát lớn. Nhiều vụ việc tham nhũng lớn được phát hiện và xử lý trong thời gian gần đây đã cho thấy điều này.

 

Những vụ án tham nhũng được phát hiện gần đây chủ yếu xảy ra tại các doanh nghiệp nhà nước có tính chất đặc biệt tinh vi, phức tạp, có sự móc nối, cấu kết của nhiều loại đối tượng với nhiều phương thức, thủ đoạn thực hiện và che dấu hành vi phạm tội, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế cho bản thân các doanh nghiệp nhà nước nói riêng và nền kinh tế nói chung và cần tăng cường, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát của cơ quan nhà nước. Trước đó, để tăng cường quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước, ngày 03/6/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Tại Nghị quyết này cũng đã chỉ rõ “Hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán của các cơ quan quản lý nhà nước không cao. Tình trạng thực hiện chưa nghiêm túc chủ trương của Đảng, vi phạm pháp luật, rủi ro, yếu kém, thua lỗ trong doanh nghiệp nhà nước không được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh”.

 

Trên tinh thần khoa học, thẳng thắn, cởi mở, các đại biểu tham dự tọa đàm tập trung thảo luận các vấn đề trọng tâm nhằm hoàn thiện Đề cương các tài liệu trong hồ sơ đề án trình Chính phủ, đề xuất những giải pháp hiệu quả để hoàn thiện chính sách, pháp luật và thực thi chính sách, pháp luật nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán doanh nghiệp nhà nước. Tọa đàm lần này nằm trong chuỗi các hoạt động mà cơ quan chủ trì soạn thảo đề án đã tiến hành nhằm lấy ý kiến các bên liên quan để hoàn thiện dự án trình Chính phủ ban hành.

 

Tại đây, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi các vấn đề liên quan đến địa vị pháp lý của Kiểm toán nhà nước; thẩm quyền của Tổng Kiểm toán nhà nước; tính độc lập trong hoạt động kiểm toán nhà nước; các căn cứ pháp luật liên quan; về xác định kiểm nhiệm vụ giữa kiểm toán và thanh tra; vấn đề chia sẻ thông tin, khai thác cơ sở dữ liệu của nhau...

 

Diệu Thúy