ĐOÀN THỂ   HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG   VĂN BẢN   LIÊN HỆ   FAQ   
THÔNG TIN KHOA HỌC
Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán loại hình công trình chỉnh trị vùng cửa sông ven biển trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng

Chiều 28/8/2020, Hội đồng Khoa học Kiểm toán nhà nước đã tiến hành nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở năm 2019 “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán loại hình công trình chỉnh trị vùng cửa sông ven biển trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng” do ThS Lại Xuân Nghị và KTS Võ Huy Phương làm đồng chủ nhiệm. ThS Lê Minh Nam, Giám đốc Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Công trình chỉnh trị được xây dựng để bảo vệ bờ sông, bờ biển khỏi tác động phá hoại của dòng chảy trong sông, dòng chảy ven bờ và của sóng gió. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các khu dân cư và kinh tế, văn hóa. Đặc biệt trong thời gian gần đây, khi mà tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày càng thể hiện rõ nét, các quy luật về sóng gió, dòng chảy, bùn cát… cũng có những biến động bất lợi hơn, đe dọa đến an toàn của các khu dân cư và kinh tế rộng lớn dọc các bờ sông, bờ biển. Từ thực tế cho thấy, trong những năm qua có những đoạn bờ sông, bờ biển đã ổn định trong thời gian dài, nay lại phải trải qua những diễn biến phức tạp do sông đổi dòng, biển lấn vào đất liền… Điều này đòi hỏi công tác thiết kế, thi công, quản lý vận hành các công trình chỉnh trị cần bổ sung thêm các điều kiện mới trong tính toán, đồng thời cần phải xây dựng các quy hoạch tổng thể để đạt hiệu quả cao nhất.

 

Trên suốt 3260km chiều dài bờ biển Việt Nam, cứ trung bình khoảng 25km lại có một cửa sông, tức có khoảng 130 cửa sông lớn nhỏ, nhưng số có tên và có giá trị khai thác vào khoảng 89 cửa, phân bố dọc theo chiều dài bờ biển. Chính các cửa sông làm cho bờ biển nước ta đầy biến động. Vùng cửa sông, ven biển chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau, chính vì vậy, khi thiết kế các công trình chỉnh trị cần phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để có những tính toán chính xác, nhằm đưa ra phương án tối ưu cho giải pháp thiết kế. Thông thường vốn đầu tư cho các loại hình công trình trị thủy là rất lớn và chủ yếu là các hạng mục công trình ngầm, công trình chìm khuất dưới dòng chảy, chịu nhiều tác động của sóng, gió, dòng chảy và thời tiết bất thường, bên cạnh đó chế độ thủy hải văn và dòng chảy vùng cửa sông và ven biển thường vô cùng phức tạp, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng… Do vậy, có nhiều công trình nếu không được tính toán, xem xét kỹ các yếu tố thủy động lực dòng chảy sẽ dẫn đến tình trạng công trình bị hư hỏng hoặc sau khi xây dựng xong không phát huy tác dụng mà còn có khả năng gây xói lở, bồi lấp cho các khu vực khác có liên quan.

 

Đối với Kiểm toán nhà nước, khi thực hiện cuộc kiểm toán đối với các loại hình công trình này, để đánh giá được tính tuân thủ, cũng như đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả của việc đầu tư dự án, đòi hỏi kiểm toán viên phải có phương pháp đánh giá tổng quát thông qua kết quả phân tích và cơ sở của việc đưa ra các dự báo cũng như quá trình đánh giá, tính toán và mô phỏng xu thế diễn biến hình thái, trên cơ sở đó để nhận định việc đưa ra mức độ, quy mô và giải pháp thiết kế đảm bảo tính tổng thể, kết hợp đa mục tiêu và mang lại hiệu quả vốn đầu tư của dự án.

 

Thông qua việc nghiên cứu hoạt động kiểm toán đối với các loại hình công trình chỉnh trị vùng cửa sông ven biển ở Việt Nam trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng, sau khi trình bày tổng quan tình hình điều kiện tự nhiên vùng cửa sông ven biển nước ta cũng như các kịch bản biến đối khí hậu, thực trạng kiểm toán các công trình chỉnh trị, Ban đề tài đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm toán các công trình này trên các phương diện tổng thể và trong từng giai đoạn kiểm toán.

 

Nhận xét về đề tài, Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao cố gắng của Ban đề tài và khẳng định đề tài có giá trị ứng dụng trong thực tiễn kiểm toán. Ban đề tài đã đánh giá được thực trạng, khó khăn, vướng mắc khi kiểm toán các công trình chỉnh trị. Tuy nhiên hội đồng cho rằng đề tài cần điều chỉnh phạm vi nghiên cứu cho phù hợp, xác định rõ mối quan giữa nội dung môi trường và các công trình chỉnh trị cũng như bổ sung một số giái pháp thu thập bằng chứng trên thực địa hoặc đề xuất việc thuê chuyên gia...

 

Đề tài được Hội đồng xếp loại Khá.

 
Diệu Thúy