ĐOÀN THỂ   HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG   VĂN BẢN   LIÊN HỆ   FAQ   
THÔNG TIN KHOA HỌC
Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Vận dụng phương pháp đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán các dự án đường dây tải điện”

Căn cứ Quyết định số 866/QĐ-KTNN ngày 10/7/2020 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở năm 2020, thực hiện Quyết định số 121/QĐ-TrĐT ngày 20/10/2021 của Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, Hội đồng Khoa học KTNN đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở năm 2020 “Vận dụng phương pháp đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán các dự án đường dây tải điện” do ThS Nguyễn Quốc Đạt và ThS Nguyễn Đình Doanh, KTNN Chuyên ngành VI làm đồng chủ nhiệm. TS Nguyễn Mạnh Cường, Chánh Văn phòng Đảng – Đoàn thể làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ) trong giai đoạn từ 2021 đến 2030 dự kiến sẽ xây dựng thêm 7.511 km đường dây 220kV và 7.306 km đường dây 500kV, trong đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam là đơn vị giữ vai trò chính trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển Hệ thống lưới điện Quốc gia. Việc đầu tư phát triển các dự án lưới điện đồng nghĩa với việc tăng nhu cầu vốn đầu tư, đảm bảo mục tiêu quy hoạch đề ra. Tập đoàn Điện lực Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước, nguồn vốn đầu tư là vốn nhà nước, do đó việc kiểm toán các công trình đường dây tải điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư cần phải được chú trọng, xác định là một trong các nội dung trọng yếu trong việc đánh giá công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại đơn vị.

 

Qua công tác kiểm toán cho thấy ngoài việc thực hiện theo các quy định chung của Nhà nước về đầu tư xây dựng, các dự án đường dây tải điện có những yếu tố đặc trưng nhất định như: Địa bàn trải dài qua nhiều địa phương, công tác đền bù giải phóng mặt bằng phức tạp, áp dụng hệ thống định mức chuyên ngành, tỷ lệ giá trị thiết bị trong cơ cấu chi phí đầu tư lớn, điều kiện thi công phức tạp, địa hình đồi núi, cự ly vận chuyển lớn, hình thức hợp đồng theo phương thức khoán gọn... do vậy tiềm ẩn một số rủi ro trong quá trình thực hiện kiểm toán của kiểm toán viên.

Đề tài do đó được nghiên cứu nhằm đánh giá thực trạng công tác kiểm toán các dự án đường dây tải điện trong thời gian gần đây tại Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VI để từ đó rút ra những mặt đã làm được cũng như những mặt còn tồn tại, hạn chế đồng thời đưa ra nguyên nhân của những tồn tại để làm cơ sở kiến nghị các giải pháp hoàn thiện. Đề tài sẽ làm rõ, cụ thể hóa cách thức tiếp cận phương pháp đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu trong quá trình lập kế hoạch, thực hiện kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán các dự án đường dây tải điện.

Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VI đã thực hiện kiểm toán 34 dự án đường dây tải điện (nhóm B) trong các năm 2011, 2013, 2015, 2018 và 2020 với tổng số kiến nghị xử lý là 229.175 triệu đồng (đạt khoảng 3,5% so với giá trị được kiểm toán), trong đó kiến nghị thu hồi, giảm thanh toán số tiền 28.751 triệu đồng (bằng 0,667% so với giá trị phần xây lắp được kiểm toán). Các Báo cáo kiểm toán phát hành ngoài nội dung xác nhận số liệu báo cáo nguồn vốn đầu tư, chi phí đầu tư các dự án được kiểm toán, đã đánh giá những mặt đã làm được, chỉ ra những tồn tại hạn chế trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, từ đó đưa ra những kiến nghị chấn chỉnh những sai sót, kiến nghị xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến những sai phạm. Thông qua kết quả kiểm toán, các chủ đầu tư đã nhìn nhận ra những khuyết điểm, những bất cập trong hệ thống kiểm soát nội bộ, nghiêm túc thực hiện những kiến nghị của KTNN, không phát sinh khiếu nại, khiếu kiện. Mặc dù những năm gần đây, số lượng dự án đường dây tải điện được kiểm toán cũng như giá trị được kiểm toán tăng lên, tuy nhiên nếu so với tổng số dự án đường dây tải điện nhóm B, C do các đơn vị trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện thì số lượng này chỉ chiếm tỷ trọng thấp.

Theo Ban đề tài, để nâng cao chất lượng kiểm toán dự án đầu tư, việc vận dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu cần thực hiện theo các nguyên tắc sau:

- Vận dụng trong cả ba giai đoạn của quy trình kiểm toán. Để vận dụng một cách hiệu quả phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro trong các lĩnh vực kiểm toán nói chung và kiểm toán dự án đầu tư xây dựng công trình nói riêng thì cần phải vận dụng trong cả 3 giai đoạn kiểm toán (giai đoạn lập KHKT; giai đoạn thực hiện kiểm toán; giai đoạn lập Báo cáo kiểm toán).

- Vận dụng trong kiểm toán các giai đoạn của dự án đầu tư xây dựng công trình. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 50 của Luật Xây dựng năm 2014 thì trình tự đầu tư xây dựng có 03 giai đoạn gồm: chuẩn bị dự án, thực hiện dự án và kết thúc xây dựng đưa dự án vào khai thác sử dụng.

- Nâng cao nhận thức và khả năng vận dụng của KTVNN. Các KTVNN phải nhận thức được việc vận dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro trong kiểm toán dựa án đầu tư xây dựng công trình là phương pháp tiên tiến, giúp ích nhiều cho công việc kiểm toán, giảm bớt rủi ro, đồng thời là bắt buộc. KTVNN cần nhận thức đúng và đầy đủ về nội dung và sự cần thiết áp dụng việc lựa chọn phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá trọng yếu, rủi ro kiểm toán thì mới có thể vận dụng đúng đắn vào thực tiễn kiểm toán, cuộc kiểm toán mới tiến hành được đúng hướng và có hiệu quả.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình vận dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro. Việc áp dụng công nghệ thông tin sẽ hỗ trợ cho KTV trong công tác thu thập và xử lý dữ liệu kiểm toán, lưu trữ tài liệu và hồ sơ kiểm toán, phục vụ yêu cầu cập nhật, bổ sung dữ liệu. Điều này đặc biệt cần thiết đối với việc đánh giá trọng yếu, rủi ro kiểm toán, lựa chọn phương pháp kiểm toán phù hợp trong cả ba giai đoạn của cuộc kiểm toán cũng như công tác kiểm tra, soát xét kiểm toán.

Tại buổi thẩm định, Hội đồng đánh giá cao những đóng góp về lý luận và thực tiễn của đề tài. Để hoàn thiện hơn, Hội đồng yêu cầu ban chủ nhiệm bổ sung một số nội dung về đặc điểm dự án đường dây tải điện, bổ sung lý luận về đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu, ảnh hưởng của dự án đường dây tải điện. Hội đồng cũng yêu cầu Ban đề tài tập trung làm rõ một số vấn đề về thực trạng, bổ sung thêm một số dẫn chứng cụ thể từ đó đưa ra đánh giá phù hợp đồng thời đưa ra giải pháp, kiến nghị đảm bảo khả thi.

Đề tài được Hội đồng đánh giá xếp loại Khá./.

 
PV