ĐOÀN THỂ   HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG   VĂN BẢN   LIÊN HỆ   FAQ   
THÔNG TIN KHOA HỌC
Kiểm toán chuyên đề Việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19

Nhằm lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý và nhất là ý kiến của các lực lượng tuyến đầu chống dịch về mục tiêu, nội dung, phạm vi, giới hạn và phương thức tổ chức kiểm toán chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19” để hoàn thiện đề cương kiểm toán trước khi ban hành, Kiểm toán nhà nước đã tổ chức Hội thảo khoa học “Kiểm toán chuyên đề Việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19” vào ngày 19/01/2022. Hội thảo do ông Vũ Văn Họa, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, ông Lê Văn Khảm - Ủy viên thường trực Ủy ban xã hội của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Phú Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội đồng chủ trì. Hội thảo còn có sự tham gia của đại diện các Ủy ban của Quốc hội, Bộ Y tế, đại diện các bệnh viện và các bên liên quan.

 

Các thành viên đồng chủ trì Hội thảo

Việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 là một trong những vấn đề được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm, đồng thời cũng là nội dung giám sát của Quốc hội trong năm 2022. Kiểm toán nhà nước lựa chọn chuyên đề này để tiến hành kiểm toán với mục tiêu đánh giá việc tuân thủ pháp luật, việc ban hành các cơ chế chính sách, các khó khăn vướng mắc trong quá trình huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch COVID-19, nhằm báo cáo kịp thời với Quốc hội, Chính phủ, thông tin kịp thời cho công luận và xã hội.

Phạm vi kiểm toán bao gồm việc huy động quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch COVID-19 tại 32 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các bộ, ngành cơ quan trung ương (Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Lao động thương binh xã hội, Ngân hàng nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam…), không kiểm toán việc mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, kít xét nghiệm tại tất cả các đơn vị (nội dung này Thanh tra chính phủ thực hiện), KTNN chỉ tổng hợp số liệu theo báo cáo của các đơn vị.

Thời gian kiểm toán dự kiến từ 16/02/2022 đến 31/3/2022, phát hành báo cáo kiểm toán trước 31/5/2022. Trong cuộc kiểm toán chuyên đề này, mỗi Kiểm toán nhà nước chuyên ngành, khu vực thành lập 01 đoàn kiểm toán tại các bộ, ngành, địa phương thuộc phạm vi kiểm toán.

Nội dung kiểm toán sẽ tập trung vào i) việc huy động các nguồn lực phòng chống dịch COVID-19; kinh phí và quỹ của các cơ sở y tế; nguồn viện trợ và tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn thu từ dịch vụ xét nghiệm; sự đóng góp của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, chính sách thuế, chính sách tín dụng; ii) Về sử dụng các nguồn lực, đây là nội dung quan trọng nhất của cuộc kiểm toán chuyên đề này, bởi có rất nhiều chính sách, khoản chi cũng như đối tượng của trung ương, các bộ, ngành, địa phương cho các lực lượng; iii) Khó khăn vướng mắc và những vấn đề phát sinh, trong quá trình tổ chức xây dựng, thanh quyết toán chi phí xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các cơ sở thu dung, cơ sở cách ly, cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến…; iv) Khó khăn vướng mắc trong việc tiếp nhận, bảo quản phân phối và sử dụng các khoản viện trợ, tài trợ bằng hiện vật nhất là các phương tiện phòng chống dịch như Vắcxin, phương tiện vận tải, máy thở, ôxy và các trang thiết bị y tế khác…; v) Việc xây dựng và ban hành giá các loại dịch vụ trong công tác phòng chống dịch COVID-19, nhất là giá các dịch vụ xét nghiệm; vi) Khó khăn vướng mắc trong việc thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh thông thường và khám chữa bệnh cho người bệnh COVID-19.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức xây dựng, thanh quyết toán chi phí xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các cơ sở thu dung, cơ sở cách ly, cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến…; trong việc tiếp nhận, bảo quản phân phối và sử dụng các khoản viện trợ, tài trợ bằng hiện vật; việc xây dựng và ban hành giá các loại dịch vụ trong công tác phòng chống dịch COVID-19, nhất là giá các dịch vụ xét nghiệm (Nhanh và PCR); Việc thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh thông thường và khám chữa bệnh cho người bệnh COVID-19... Các đại biểu cũng đề nghị thông qua kiểm toán cần chỉ rõ đâu là hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi và đâu là những sai phạm không xuất phát từ tư lợi để vừa đảm bảo tính đúng đắn, minh bạch của công tác phòng chống dịch, vừa để lực lượng tuyến đầu yên tâm công tác.

Sau cuộc hội thảo này, Ban chỉ đạo thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề Việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 sẽ tiếp tục có các cuộc trao đổi, thảo luận để đi đến hoàn thiện Đề cương kiểm toán trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành.

PV