ĐOÀN THỂ   HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG   VĂN BẢN   LIÊN HỆ   FAQ   
THÔNG TIN KHOA HỌC
Nghiên cứu thực trạng và giải pháp nhằm phát huy vai trò, hiệu quả các dự án PPP trong đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông khu vực Đông Nam Bộ và vai trò của Kiểm toán nhà nước

Thực hiện Quyết định số 09/QĐ-TrĐT ngày 08 tháng 2 năm 2022 của Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở năm 2021, ngày 26 tháng 4 năm 2022, Hội đồng Khoa học Kiểm toán nhà nước đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở Nghiên cứu thực trạng và giải pháp nhằm phát huy vai trò, hiệu quả các dự án PPP trong đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông khu vực Đông Nam Bộ và vai trò của Kiểm toán nhà nước do ThS Nguyễn Bá Hùng và ThS Trần Đức Hấn đồng chủ nhiệm. Hội đồng do TS Vũ Thanh Hải, Vụ trưởng Vụ Pháp chế làm Chủ tịch.

Trong điều kiện vốn ngân sách nhà nước (NSNN) còn hạn hẹp, việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa theo phương thức PPP để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ công là chủ trương đúng đắn của Việt Nam. Không thể phủ nhận những kết quả đạt được của việc thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) thời gian qua, tuy nhiên, việc triển khai các dự án PPP vẫn còn nhiều thiếu sót, hạn chế, thiếu minh bạch gây thất thoát, lãng phí NSNN. Thực tế cho thấy, trong thời gian vừa qua, công tác quản lý, điều hành, khai thác các dự án PPP đã phát sinh nhiều điểm bất hợp lý và gây ra không ít bức xúc trong dư luận xã hội. Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân thực trạng thất thoát, lãng phí và thách thức trong thực hiện dự án PPP là do khung pháp lý chưa đủ mạnh, mới ở cấp Nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác. Hiện nay, Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư theo phương thức PPP, tuy nhiên việc hướng dẫn và áp dụng Luật, đặc biệt là với các dự án PPP còn nhiều nội dung cần đi sâu làm rõ.

Với vai trò là cơ quan thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công phục vụ cho Quốc hội, Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cơ quan khác của Nhà nước sử dụng trong công tác điều hành và thực thi nhiệm vụ quản lý NSNN, từ năm 2016 đến năm 2019, KTNN đã thực hiện kiểm toán nhiều dự án giao thông được thực hiện theo hình thức PPP, qua đó đã thu lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Đề tài “Nghiên cứu thực trạng và giải pháp nhằm phát huy vai trò, hiệu quả các dự án PPP trong đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông khu vực Đông Nam Bộ và vai trò của KTNN” được thực hiện nhằm đề xuất các giải pháp phát huy hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông thông qua phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP) và định vị, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán đối với loại hình dự án thực hiện theo phương thức PPP.

Để đạt được mục tiêu trên, Ban đề tài nghiên cứu các nội dung cụ thể như: i) Phân tích thực trạng, hiệu quả của việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa theo phương thức PPP để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ công tại khu vực Đông Nam Bộ. Chỉ ra những khó khăn, hạn chế và khác biệt, tác động đến hiệu quả hoạt động đầu tư theo phương thức PPP khu vực Đông Nam Bộ; ii) Cơ sở pháp lý của KTNN khi kiểm toán các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, những phát hiện, kiến nghị kiểm toán nổi bật của KTNN trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán các dự án PPP trong thời gian qua. Những hạn chế, tồn tại trong tổ chức thực hiện kiểm toán các dự án PPP của Kiểm toán nhà nước. Quy định của pháp luật hiện nay ảnh hưởng đến vai trò của KTNN đối với việc kiểm toán các dự án PPP; iii) Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm toán dự án PPP theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, phục vụ cho Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng trong công tác điều hành và thực thi nhiệm vụ quản lý NSNN. Đề xuất phương hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả khi kiểm toán dự án PPP khu vực Đông Nam Bộ.

 

Nhận xét về đề tài nghiên cứu, Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài cũng như tiến độ nghiên cứu đảm bảo quy định, đề tài có giá trị khoa học và ứng dụng vào thực tiễn hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Để hoàn thiện đề tài, Hội đồng cần tiếp thu các ý kiến của Hội đồng, chỉnh sửa phạm vi, mục tiêu, đối tượng nghiên cứu phù hợp, các giải pháp phải đi từ mạch lý luận, thực trạng và giải pháp đảm bảo tính logic.

Đề tài được Hội đồng thống nhất xếp loại Khá.

                                                                                    PV