ĐOÀN THỂ   HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG   VĂN BẢN   LIÊN HỆ   FAQ   
THÔNG TIN KHOA HỌC
Kiểm toán nhà nước đối với phòng, chống tham nhũng, lãng phí – Góc nhìn từ quy định pháp luật

Sáng 26/7, Kiểm toán nhà nước đã tổ chức Tọa đàm “Pháp luật về kiểm toán nhà nước đối với phòng, chống tham nhũng, lãng phí - Thực trạng và vấn đề đặt ra”. Tọa đàm thuộc Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia “Hoàn thiện pháp luật kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam”. Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia thứ hai mà Kiểm toán nhà nước thực hiện. GS, TS. Đoàn Xuân Tiên - Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước và Ths. Trần Kim Lộc - Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (hai thành viên chính của Ban đề tài) chủ trì Tọa đàm. Tham dự Tọa đàm còn có các nhà khoa học, các nhà quản lý đến từ Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam; Ban Nội chính Trung ương, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cùng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong ngành Kiểm toán nhà nước.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, GS,TS. Đoàn Xuân Tiên cho biết: Phát huy vai trò của cơ quan tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã có nhiều kiến nghị xử lý tài chính, tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.

GS.TS. Đoàn Xuân Tiên - Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phát biểu khai mạc Tọa đàm

Đặc biệt, Kiểm toán nhà nước đã chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý nhiều vụ việc theo quy định pháp luật; cung cấp hàng trăm bộ hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Để tạo lập môi trường pháp lý cho hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền và văn bản quản lý nội bộ để triển khai Hiến pháp, Luật Kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực kiểm toán; phát huy vai trò của Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, pháp luật về Kiểm toán nhà nước đối với phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Một số nội dung pháp lý quy định về nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Kiểm toán nhà nước chưa thật sự rõ ràng, cụ thể. Những hạn chế này đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Chính vì vậy, Kiểm toán nhà nước rất cần các nhà quản lý, các nhà khoa học nghiên cứu, trao đổi, làm sáng rõ thực trạng, những vấn đề pháp luật về kiểm toán trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; luận giải những bất cập của những quy định làm hạn chế vai trò phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Kiểm toán nhà nước. Từ đó, đề xuất các định hướng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng đề xuất với Kiểm toán nhà nước xây dựng và hoàn thiện các văn bản để cụ thể hoá Luật Kiểm toán nhà nước và các Luật khác có liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát huy vai trò, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Tham luận tại Tọa đàm, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng gắn với hoạt động kiểm toán vừa là nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước, vừa là công cụ và giải pháp quan trọng của cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí của cả nước. Đặc biệt, trong mọi trường hợp, hoạt động phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Kiểm toán nhà nước chỉ được bảo đảm khi giữ vững giá trị cốt lõi “Độc lập - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Uy tín - Chất lượng”, đề cao lợi ích quốc gia và tinh thần thượng tôn pháp luật trong hoạt động kiểm toán.

 Với tinh thần đó, một mặt, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với định hướng phát triển và hoạt động của Kiểm toán nhà nước trong thời gian tới; tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật để tăng tính độc lập của Kiểm toán nhà nước trong thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Mặt khác, Quốc hội và các cơ quan hữa quan đẩy nhanh lộ trình hoàn thiện và đồng bộ hóa các cơ chế, chính sách; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các quy định của pháp luật hiện hành.

Về phía Kiểm toán nhà nước, cần đặc biệt coi trọng công tác ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí trong nội bộ Ngành, đẩy mạnh hơn việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương; giáo dục chính trị tư tưởng; nâng cao chất lượng đội ngũ, kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức; đổi mới phương pháp, cách thức kiểm toán; hoàn thiện các văn bản quy định, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trong hoạt động kiểm toán…

 

PGS.TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm

Theo PGS, TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), Kiểm toán nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng tiền và tài sản nhà nước, góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật. Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau kiểm toán là thước đo đánh giá hiệu quả, hiệu lực của hoạt động kiểm toán trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tuy vậy, việc xử lý thực hiện các kết luận kiến nghị kiểm toán còn chậm, gặp nhiều vướng mắc.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Kiểm toán nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện Luật Kiểm toán nhà nước, quan tâm nhiều hơn đến yếu tố pháp lý, pháp luật trong việc kiểm tra, kiểm soát mọi nguồn lực công. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là hoạt động sử dụng nhiều công cụ khác nhau, nhưng pháp luật là công cụ hữu hiệu nhất. Vì vậy, hoạt động phòng, chống tham nhũng chỉ đạt hiệu quả khi hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Kiểm toán nhà nước được ban hành mang tính hệ thống, toàn diện, phù hợp thực tiễn và khả thi.

Tại Tòa đàm, các nhà khoa học, nhà quản lý đã cùng thảo luận và làm rõ nhiều nội dung liên quan đến: Thực trạng pháp luật về Kiểm toán nhà nước với phòng chống tham nhũng lãng phí và một số ý kiến đề xuất; Chuẩn mực kiểm toán và các phương thức kiểm toán trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Tổng Kiểm toán nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực phòng, chống tham nhũng, lãng phí…

PV