ĐOÀN THỂ   HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG   VĂN BẢN   LIÊN HỆ   FAQ   
THÔNG TIN KHOA HỌC
Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học: Nghiên cứu xây dựng đề cương kiểm toán chuyên đề quản lý và sử dụng nguồn vốn chuyển đổi đất quốc phòng

Ngày 07/9/2018, tại Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Hội đồng khoa học KTNN đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở Nghiên cứu xây dựng đề cương kiểm toán chuyên đề quản lý và sử dụng nguồn vốn chuyển đổi đất quốc phòngdo Ths. Nguyễn Tiến Đạt và Ths. Mai Hải Cường làm đồng chủ nhiệm. PGS, TS. Nguyễn Đình Hòa – Q. Giám đốc Trường làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Đề tài “Nghiên cứu xây dựng đề cương kiểm toán chuyên đề quản lý và sử dụng nguồn vốn chuyển đổi đất quốc phòng” được kết cấu thành 3 chương, Chương 1: Tổng quan về công tác kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn vốn chuyển đổi đất quốc phòng; Chương 2: Thực trạng công tác kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn vốn chuyển đổi đất quốc phòng của Bộ Quốc phòng và các đơn vị trực thuộc từ năm 2012 đến nay; Chương 3: Xây dựng đề cương kiểm toán chuyên đề quản lý và sử dụng nguồn vốn chuyển đổi đất quốc phòng.

 

Hội đồng nhận xét đề tài như sau: Trong thời gian vừa qua, nguồn thu tiền sử dụng đất là một trong những nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn trong thu NSNN của nhiều địa phương trên cả nước. Để phát huy nguồn lực từ đất đai, đất đang quy hoạch sử dụng cho mục đích quốc phòng cần điều chỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -xã hội của địa phương. Nguồn thu từ chuyển đổi mục đích sử dụng đất quốc phòng được Bộ Quốc phòng sử dụng để chi bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; chi đầu tư xây dựng doanh trại các đơn vị, cơ sở sản xuất quốc phòng phải di chuyển; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới doanh trại quân đội theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi đất cũng như quản lý sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi đất quốc phòng còn nhiều hạn chế và bất cập như: Không đấu giá mà thực hiện bán chỉ định, sử dụng nguồn vốn chuyển đổi đất không đúng mục đích; xác định diện tích, đơn giá thu tiền sử dụng đất, giá trị tài sản trên đất không phù hợp quy định dẫn đến thất thoát NSNN...

 

Kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn vốn chuyển đổi đất quốc phòng trong thời gian tới là đòi hỏi khách quan nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính công, tài sản công và phù hợp với xu hướng phát triển của Kiểm toán nhà nước nói chung và của KTNN chuyên ngành Ia nói riêng. Trên thực tế, việc kiểm toán phần nguồn vốn chuyển đổi đất quốc phòng những năm gần đây do KTNN chuyên ngành Ia thực hiện chủ yếu chỉ lồng ghép nội dung kiểm toán này trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính của các đơn vị dự toán và thực hiện kiểm toán tổng hợp tại Bộ Quốc phòng, kết quả kiểm toán còn mờ nhạt.

 

Trong những năm qua, KTNN cũng đã từng bước hoàn thiện quy trình, chuẩn mực và các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ kiểm toán. Tuy nhiên, việc hướng dẫn mới chỉ dừng ở các chuẩn mực và các quy trình kiểm toán mang tính tổng quát về hoạt động kiểm toán mà chưa đưa ra được các hướng dẫn chi tiết, cụ thể cho từng nội dung công việc cần thực hiện kiểm toán, nhất là đối với lĩnh vực kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn vốn chuyển đổi đất quốc phòng thuộc phạm vi kiểm toán của KTNN chuyên ngành Ia.

 

Từ thực tế trên, việc nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn để xây dựng đề cương kiểm toán chuyên đề quản lý và sử dụng nguồn vốn chuyển đổi đất quốc phòng nhằm mục tiêu giảm thiểu thời gian và nguồn nhân lực đối với nội dung kiểm toán này là một nhu cầu thật sự cần thiết. Do đó, đề tài "Xây dựng đề cương kiểm toán chuyên đề quản lý và sử dụng nguồn vốn chuyển đổi đất quốc phòng"có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn trong hoạt động kiểm toán của KTNN chuyên ngành Ia hiện nay.

 

Những đóng góp chính của đề tài:

 - Đề tài đã khái quát được những vấn đề cơ bản về việc quản lý và sử dụng nguồn vốn chuyển đổi đất quốc phòng; hệ thống được các văn bản của Nhà nước và Bộ Quốc phòng trong quản lý và sử dụng đất cũng như quản lý, sử dụng nguồn vốn chuyển đổi đất quốc phòng.

 

- Đề tài đã trình bày được thực trạng công tác kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn vốn chuyển đổi đất quốc phòng, đánh giá những kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế.

 

- Xây dựng được những hướng dẫn cơ bản về thủ tục kiểm toán và các sai sót thường gặp khi thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn vốn chuyển đổi đất quốc phòng tại Bộ Tổng Tham mưu, Cục Tài chính Bộ Quốc phòng, tại các đơn vị, đầu mối thực hiện công tác chuyển đổi đất và tại các đơn vị sử dụng nguồn vốn chuyển đổi đất quốc phòng.

 

Ngoài ra, Đề tài cũng đã đề xuất được một số giải pháp trong giai đoạn thực hiện khảo sát thu thập thông tin, thực hiện kiểm toán và lập BCKT.

 

Hội đồng cũng góp ý để hoàn thiện đề tài như sau:

Trong Chương 1, Về kết cấu, đề tài cần chỉnh sửa thành 2 chương, trong đó gộp chương 1 và chương 2 thành một chương, chương 3 thành chương 2, nội dung chỉ đề xuất “đề cương kiểm toán chuyên đề quản lý và sử dụng nguồn vốn chuyển đổi đất quốc phòng”.

 

Về mặt nội dung cụ thể, tại mục 1.1 “Một số vấn đề lý luận chung”: Cần bổ sung trình bày cụ thể hơn về đặc thù của công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn chuyển đổi đất quốc phòng nhất là về thẩm quyền, nguyên tắc phân bổ, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi đất. Đề nghị chỉnh sửa tiêu đề mục 1.2.2 “Môi trường pháp lý cho công tác kiểm toán” do phạm vi này quá rộng, chưa phù hợp với nội dung trình bày tại mục này thành “Một số quy định về việc quản lý, sử dụng nguồn chuyển đổi đất quốc phòng”, trong đó trình bày khái quát một số những quy định chung trong quản lý, sử dụng đất; quy định riêng trong quản lý, sử dụng nguồn vốn chuyển đổi đất quốc phòng; quản lý dự án đầu tư XDCB. Danh mục các văn bản pháp luật nên trình bày thành phụ lục riêng. Nên bỏ mục 3.3.5 “Nội dung về kiểm soát chất lượng kiểm toán chuyên đề kiểm toán việc quản lý và sử dụng nguồn vốn chuyển đổi đất quốc phòng” do không liên quan nhiều đến phạm vi của đề tài.

 

Ban đề tài cần cân nhắc rà soát nội dung các giải pháp chuyển sang chương 3 cho phù hợp. Bởi chương 2 đang đánh giá thực trạng của công tác kiểm toán, trong đó nhấn mạnh đến kết quả, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế này.

 

Tại chương 2, mục 2.1 và mục 2.2 đề nghị cân nhắc lồng ghép các nội dung này lại thành một mục, trong đó kết cấu và bố cục lại theo một số nội dung: tổ chức đoàn kiểm toán; nội dung trong khâu kế hoạch kiểm toán và tổ chức thực hiện; kết quả đạt được; hạn chế; nguyên nhân của các hạn chế. Đồng thời, trong nội dung Chương 2 của đề tài cần trình bày, đánh giá thực trạng theo các khâu từ xây dựng KHKT đến triển khai thực hiện KHKT và kết quả kiểm toán đạt được, từ đó phân tích nguyên nhân tại từng khâu và đề ra giải pháp giải quyết tương ứng.

 

Chương 3 đề nghị tác giả nên cân nhắc và sắp xếp bố cục theo kết cấu: (i) Mục tiêu kiểm toán chung và đối tượng kiểm toán (gồm các loại đất nào) của chuyên đề kiểm toán; (ii) Kiểm toán tổng hợp: Trong khâu này cần thiết kế theo: Nội dung kiểm toán; Thủ tục kiểm toán; Rủi ro kiểm toán có thể phát sinh (hay các sai sót thường gặp); (iii) Kiểm toán tại các đơn vị được giao đầu mối: Nội dung kiểm toán; Thủ tục kiểm toán; Rủi ro kiểm toán có thể phát sinh (hay các sai sót thường gặp).

 

Trong Chương 3, Ban đề tài cần nghiên cứu bổ sung thêm phần hướng dẫn về tài liệu cần thu thập; gợi ý về xác định trọng yếu (trọng tâm) và rủi ro kiểm toán (nếu có thể được) tại mục 3.4.2. Bổ sung hướng dẫn cụ thể đối với việc kiểm toán (đối chiếu) tại các cơ quan chức năng của địa phương trong kiểm toán việc tham mưu xác định tiền sử dụng đất.

 

Mục 3.1 “Sự cần thiết phải xây dựng đề cương kiểm toán chuyên đề quản lý và sử dụng nguồn vốn chuyển đổi đất quốc phòng”: Bổ sung thông tin cụ thể về tình hình thực hiện chuyển đổi đất của Bộ Quốc phòng; số lượng dự án đã được kiểm tra, kiểm toán để minh chứng cho việc cần thiết phải xây dựng đề cương hướng dẫn kiểm toán nội dung này.

 

PGS, TS. Nguyễn Đình Hòa đã phát biểu kết luận: Đề tài có tính cấp thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Để hoàn thiện đề tài Chủ tịch hội đồng yêu cầu Ban chủ nhiệm đề tài cần nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các thành viên Hội đồng. Đề tài cần tiếp thu và thực hiện những khuyến nghị sau: chỉnh sửa kết cấu đề tài thành 2 chương, đồng thời cần lược bỏ một số nội dung ví dụ trong chương 1, mục 1.2, nên đề cập đến đề cương kiểm toán là gì, yêu cầu, nguyên tắc xây dựng đề cương kiểm toán, đề cương kiểm toán phải đảm bảo nội dung gì, hình thức ra sao? Về mặt hình thức, cần chỉnh sửa lại mục lục, rà soát sửa lỗi chính tả.

 

Trong Chương 1 cần làm rõ được 2 nội dung: Việc chuyển đổi đất quốc phòng có tuân thủ quy định pháp lý? Giá đất chuyển đổi có phù hợp? Quản lý và sử dụng nguồn vốn chuyển đổi có phù hợp?

 

Các khuyến cáo: đề tài cần thiết kế danh mục tài liệu khảo sát thu thập, xác định thêm mẫu biểu kiểm toán, trọng yếu, rủi ro kiểm toán. Đồng thời cần xây dựng cơ chế và nội dung quản lý, sử dụng nguồn vốn chuyển đổi đất quốc phòng.

 

Kết quả đề tài xếp loại:  Khá./.                                                                                        

     Tuấn Nam