ĐOÀN THỂ   HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG   VĂN BẢN   LIÊN HỆ   FAQ   
THÔNG TIN KHOA HỌC
Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Cơ sở lý luận và thực tiễn quy định chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của Kiểm toán nhà nước khác với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra khác”

Thực hiện Quyết định số 225/QĐ-KTNN ngày 03 tháng 3 năm 2020 của Kiểm toán nhà nước về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Hội đồng Khoa học Kiểm toán nhà nước đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2019 “Cơ sở lý luận và thực tiễn quy định chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của Kiểm toán nhà nước khác với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra khác” do TS Đặng Văn Hải (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế) và ThS Nguyễn Viết Hùng (Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước Khu vực V) làm đồng chủ nhiệm. Hội đồng nghiệm thu do GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Kiểm toán nhà nước làm chủ tịch.

 

Trong những năm qua, hệ thống văn bản pháp luật về thanh tra, kiểm toán nhà nước không ngừng hoàn thiện; đặc biệt, sau 20 năm xây dựng và phát triển, địa vị pháp lý của Kiểm toán nhà nước đã được quy định trong Hiến pháp – đạo luật cơ bản của Nhà nước là một bư­ớc tiến to lớn về phương diện lập pháp đối với lĩnh vực Kiểm toán nhà nước. Trên cơ sở các văn bản pháp luật này, tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước và Thanh tra nhà nước đã được sắp xếp, kiện toàn để tránh chồng chéo, bỏ sót đối tượng, nội dung thanh tra, kiểm toán. Về cơ bản chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động giữa Thanh tra nhà nước và Kiểm toán nhà nước đã được quy định và xác định ngày càng rõ nét. Tuy nhiên, vẫn còn sự chồng chéo về nội dung, đối tượng kiểm tra về việc tuân thủ pháp luật kinh tế, tài chính giữa Thanh tra nhà nước với Kiểm toán nhà nước ngay trong các quy định của pháp luật cũng như thực tiễn hoạt động thanh tra, Kiểm toán nhà nước.

 

Đề tài đã làm rõ và hệ thống hóa những vấn đề lý luận và thực tiễn quy định chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của Kiểm toán nhà nước khác với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm tra; trong đó, đã phân tích, làm rõ: Khái niệm và đặc điểm của Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước; địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của Kiểm toán nhà nước và Thanh tra nhà nước; phân biệt sự khác nhau giữa Kiểm toán nhà nước – cơ quan hiến định độc lập với Thanh tra nhà nước – cơ quan trực thuộc người đứng đầu cơ quan quản lý hành chính nhà nước cùng cấp… Đề tài cũng đã tiến hành phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động của Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước và sự chồng chéo trong hoạt động giữa Thanh tra nhà nước với Kiểm toán nhà nước. Trên cơ sở phân tích, đánh giá những kết quả đã đạt được, những hạn chế và bất cập của từng nội dung, Đề tài đã luận giải những nguyên nhân hạn chế, tồn tại của việc chồng chéo trong hoạt động giữa Thanh tra nhà nước với Kiểm toán nhà nước.

 

Từ những phân tích trên, ban đề tài đề xuất 4 nhóm giải pháp, cụ thể: Hoàn thiện pháp luật về kiểm toán nhà nước, thanh tra nhà nước theo hướng phân định một cách rõ ràng, rành mạch chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của Kiểm toán nhà nước và Thanh tra nhà nước; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước; Tăng cường phối hợp giữa cơ quan Kiểm toán nhà nước, thanh tra nhà nước và các cơ quan kiểm tra của Đảng, cơ quan nhà nước khác có liên quan. Để bảo đảm tính khả thi của các giải pháp trên, đề tài còn đề xuất các điều kiện để thực hiện giải pháp, bao gồm: kiến nghị với Đảng, kiến nghị với Nhà nước (Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ); kiến nghị với Kiểm toán nhà nước và kiến nghị với Thanh tra Chính phủ.

Thay mặt Hội đồng nghiệm thu, GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội đồng đánh giá cao tinh thần nghiên cứu của Ban đề tài với sản phẩm có giá trị lý luận cao. Để đề tài có chất lượng tốt hơn, Hội đồng đề xuất ban đề tài thống kê làm rõ sự khác biệt trong quy định về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của Kiểm toán nhà nước và cơ quan thanh tra nói chung, từ đó làm rõ sự khác biệt dựa trên các căn cứ lý luận và thực tiễn nào. Nghiên cứu nêu bật được những bất cập nếu có trong thực tế quy định hiện hành cũng như trong thực tế áp dụng để từ đó đa ra các kiến nghị đề xuất phù hợp.

 

Đề tài được Hội đồng thống nhất xếp loại Khá.

PV