ĐOÀN THỂ   HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG   VĂN BẢN   LIÊN HỆ   FAQ   
THÔNG TIN KHOA HỌC
Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Ứng dụng mô hình thuật toán trong việc đánh giá chất lượng báo cáo tài chính của hồ sơ tín dụng”

Thực hiện Quyết định số 47/QĐ-TrĐT ngày 06/5/2020 của Giám đốc Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở năm 2019, sáng 9/7/2020 Hội đồng Khoa học Kiểm toán nhà nước đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở năm 2019 “Ứng dụng mô hình thuật toán trong việc đánh giá chất lượng báo cáo tài chính của hồ sơ tín dụng” do CN. Hoàng Thế Linh và ThS. Nông Thị Ngọc Hân làm đồng chủ nhiệm. Hội đồng nghiệm thu do Th.S Lê Minh Nam, Giám đốc Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán làm Chủ tịch.

Là đơn vị đảm nhận việc kiểm toán đối với các Ngân hàng thương mại và các định chế tài chính, hằng năm KTNN Chuyên ngành VII đã thực hiện kiểm toán toàn diện Báo cáo tài chính của các Ngân hàng Thương mại có vốn nhà nước, thông qua kiểm toán các nội dung liên quan các hoạt động sử dụng tiền, vốn và tài sản của Nhà nước trong đó hoạt động tín dụng chiếm vai trò quan trọng do các khoản cấp tín dụng cho khách hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản thể hiện trên bảng cân đối kế toán của Ngân hàng. Kết quả kiểm toán của KTNN CNVII đối với hoạt động tín dụng được thể hiện ở số liệu điều chỉnh về nhóm nợ, chi phí trích lập dự phòng và các kiến nghị về chấn chỉnh công tác cấp tín dụng. Hiện nay do nguồn lực hạn chế, KTNN CN VII chủ yếu thực hiện kiểm toán việc cấp tín dụng của ngân hàng đối với khách hàng qua kiểm tra hồ sơ vay vốn do Ngân hàng và Khách hàng cùng lập, không thực hiện đối chiếu kiểm tra thực tế khách hàng vay vốn. Theo kinh nghiệm thực tế khi kiểm toán hồ sơ tín dụng của khách hàng là doanh nghiệp tại nhiều ngân hàng thương mại và theo kết quả thống kê của các tổ chức nghiên cứu thì dù đã có sự cải thiện đáng kể nhưng các báo cáo tài chính được lập và trình bày theo chuẩn mực kế toán Việt Nam có chất lượng chưa cao và chưa đồng đều. Để xác định một báo cáo tài chính được trình bày là trung thực hợp lý hay không, nhất là trong trường hợp được thực hiện trình bày sai lệch một cách có chủ ý, đòi hỏi việc thu thập chứng cứ với nguồn lực tương tự một cuộc kiểm toán báo cáo tài chính và điều này là không khả thi khi KTV phải thực hiện kiểm toán nhiều hồ sơ tín dụng của nhiều doanh nghiệp trong thời gian làm việc từ 5-10 ngày làm việc. Điều đó đặt ra một nhu cầu thiết yếu về các phương pháp phân tích, soát xét nhanh báo cáo tài chính của doanh nghiệp dựa trên ứng dụng các mô hình thuật toán để KTV có thể thu thập được bằng chứng kiểm toán đáng tin cậy và thuyết phục trong giới hạn thời gian kiểm toán.

 

Ban đề tài do đó nghiên cứu thực trạng việc trình bày báo cáo tài chính của doanh nghiệp là khách hàng vay vốn Ngân hàng Thương mại và Giải pháp ứng dụng công nghệ, thuật toán trong việc rà soát nhanh chất lượng báo cáo tài chính doanh nghiệp để tiến hành thu thập bằng chứng kiểm toán làm cơ sở cho việc đưa ra ý kiến của kiểm toán viên về quyết định cấp tín dụng, đánh giá khả năng trả nợ và việc sử dụng vốn vay của doanh nghiệp, từ đó trả lời cho câu hỏi Mô hình Beneish M-Score và Altman Z-score có phù hợp để KTNN ứng dụng vào đánh giá độ tin cậy của báo cáo tài chính và xác định tình trạng thực tế tài chính doanh nghiệp vay vốn tại các Ngân hàng Thương mại Việt Nam thông qua kiểm định lại sự liên quan của các biến trong mô hình.

Hai mô hình được ban đề tài nghiên cứu là mô hình Altman Z-score và Beneish M-Score. Theo đó, Altman Z-score là mô hình định lượng được sử dụng trong tài chính để đưa ra các dấu hiệu nhận biết, phân loại các công ty có tình hình tài chính khó khăn và các công ty trên bờ vực sụp đổ dựa trên dữ liệu đầu vào là các báo cáo tài chính do doanh nghiệp công bố. Do vậy mô hình được sử dụng rộng rãi để cảnh báo khó khăn về tài chính nhất là tại các Ngân hàng thương mại, nơi các mô hình chấm điểm tín dụng thường được xây dựng quanh nền tảng của mô hình Altman Z-score. Trong khi đó, Beneish M-Score được giáo sư Messod Beneish phát triển năm 1999 là mô hình dự đoán khả năng gian lận báo cáo tài chính dựa trên nghiên cứu vê tam giác gian lận nổi tiếng của Donal R.Cressey (1919-1987). Mô hình đã cảnh báo đúng gian lận của công ty Enron trước một năm thời điểm công ty này phá sản. Sau khi đối chiếu mô hình với dữ liệu nghiên cứu là báo cáo tài chính của doanh nghiệp vay vốn đã được tác giả thực hiện kiểm toán, tác giả đề xuất một số thủ tục kiểm toán sau khi ứng dụng kết quả cảnh báo của mô hình.

 

Nhận xét về đề tài, Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao tinh thần nghiên cứu của ban chủ nhiệm và giá trị ứng dụng của đề tài trong thực tiễn. Đề tài có tính mới, làm rõ được mục tiêu, nội dung, đối tượng nghiên cứu. Để hoàn thiện đề tài, Hội đồng đề nghị Ban chủ nhiệm chỉnh lại tên đề tài phù hợp với quyết định; sắp xếp lại chương 1 để đề tài có bố cục hợp lý hơn; cần nêu bật được tính ưu việt khi ứng dụng các mô hình thuật toán trong hoạt động kiểm toán và nêu bật thực trạng ứng dụng mô hình thuật toán trong hoạt động kiểm toán của KTNN hiện nay cũng như bổ sung các điều kiện để ứng dụng các mô hình thuật toán trong hoạt động kiểm toán của KTNN.

 

Đề tài được đánh giá xếp loại xuất sắc.

Diệu Thúy