ĐOÀN THỂ   HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG   VĂN BẢN   LIÊN HỆ   FAQ   
THÔNG TIN KHOA HỌC
Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở: Xây dựng thủ tục kiểm toán nợ xấu tại ngân hàng thương mại

Chiều 10/6/2021, Hội đồng Khoa học Kiểm toán nhà nước đã tiến hành nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở năm 2020 “Xây dựng thủ tục kiểm toán nợ xấu tại ngân hàng thương mại” do ThS Nguyễn Khắc Hình và Ths Đỗ Mạnh Cường, Kiểm toán nhà nước Chuyên ngành VII làm đồng chủ nhiệm. Hội đồng nghiệm thu do ThS Lê Minh Nam, Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán làm Chủ tịch.

Hoạt động xử lý nợ tại các ngân hàng thương mại hiện nay là một vấn đề thời sự đang được rất nhiều người quan tâm từ các cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư đến bản thân các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại hiện nay cũng đã và đang đầu tư khá nhiều cả về tài chính và nhân sự cho hoạt động xử lý nợ xấu, bản thân kết quả của hoạt động xử lý nợ xấu của mỗi ngân hàng cũng là thước đo đánh giá chất lượng hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại. Vậy thước đo này như thế nào, đã phản ánh một cách chân thực và đầy đủ hoạt động xử lý nợ xấu và tỉ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại hay chưa hay chỉ là kết quả của những hoạt động điều chỉnh phân loại nợ lại để chuyển từ khoản nợ xấu thành những khoản nợ ít xấu hơn hay chuyển ra ngoại bảng để theo dõi nhằm đưa tỉ lệ nợ xấu thấp hơn thực tế và kết quả xử lý nợ xấu lên mức có vẻ khả quan hơn.

Hiện nay, việc kiểm toán hoạt động xử lý nợ xấu tại Ngân hàng thương mại do Kiểm toán nhà nước thực hiện chủ yếu tập trung vào các nội dung phân loại nợ, trích lập dự phòng để đưa ra các ý kiến nhận xét đánh giá về tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động phân loại nợ trích lập dự phòng, tính toán và xác định lại việc trích lập dự phòng nợ có đúng và đầy đủ hay không. Xét về các thủ tục kiểm toán cụ thể thì Quy trình kiểm toán được ban hành cũng mới chủ yếu đề cập đến hoạt động kiểm toán công tác tín dụng. Các vấn đề về bán nợ theo giá thị trường, bán tài sản bảo đảm, lấy cho vay để thu hồi... vẫn chưa có hướng dẫn các công việc cụ thể mà các Kiểm toán viên Nhà nước cần thực hiện khi kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động kiểm toán.

Trong thực tiễn hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VII, hoạt động kiểm toán công tác xử lý nợ xấu mới tập trung vào việc có tuân thủ các quy định và trình xử lý nợ xấu hay không, có thực hiện đôn đốc thu hồi nợ không và nếu có thực hiện thì đã thu được bao nhiêu, phần còn lại có khả năng thu hồi được hay không; nếu nợ xấu được ghi nhận nội bảng thì đã phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đúng và đầy đủ chưa; chưa đánh giá tính khả thi và hiệu quả của phương án xử lý nợ xấu và nguyên nhân dẫn tới nợ xấu để có các kiến nghị phù hợp.

Đề tài do đó được tiến hành nhằm Xây dựng và đề xuất các thủ tục kiểm toán đối với hoạt động xử lý nợ xấu tại Ngân hàng thương mại góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động kiểm toán lĩnh vực ngân hàng do Kiểm toán Nhà nước thực hiện.

Sau khi nghiên cứu các vấn đề lý luận về nợ xấu và kiểm toán hoạt động xử lý nợ xấu tại các ngân hàng thương mại, Ban đề tài đề xuất các thủ tục kiểm toán từ thủ tục kiểm toán tổng hợp đến các thủ tục kiểm toán đối với từng hồ sơ xử lý rủi ro cụ thể. Các thủ tục kiểm toán tổng hợp được trình bày bao gồm: Thủ tục kiểm toán đối với rủi ro về cơ cấu tổ chức bộ phận thực hiện nhiệm vụ xử lý nợ xấu; Thủ tục kiểm toán đối với rủi ro về hệ thống văn bản quy định nội bộ; Thủ tục kiểm toán đối với rủi ro trong việc thực hiện thẩm quyền xử lý nợ xấu; Thủ tục kiểm toán về công tác tổng hợp số liệu về xử lý nợ xấu; Thủ tục kiểm toán tổng hợp tại Chi nhánh; Thủ tục kiểm toán về kết quả xử lý nợ xấu tại Chi nhánh; Thủ tục kiểm toán về thẩm quyền xử lý nợ xấu; Thủ tục kiểm toán về cơ cấu tổ chức, bộ phận thực hiện nhiệm vụ xử lý nợ xấu; Thủ tục kiểm toán về cơ chế kiểm soát đối với hoạt động xử lý nợ xấu.

Đối với các thủ tục kiểm toán từng hồ sơ cụ thể, Ban đề tài đề xuất thủ tục liên quan đến: Xác định nguyên nhân dẫn tới nợ xấu; thủ tục kiểm toán đối với biện pháp tiếp tục cho vay để xử lý nợ xấu (lấy nợ nuôi nợ); thủ tục kiểm toán đối với biện pháp dừng cấp tín dụng và tiến hành thu hồi nợ; thủ tục kiểm toán đối với biện pháp xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu; thủ tục kiểm toán đối với biện pháp bán nợ xấu theo giá thị trường; thủ tục kiểm toán đối với việc áp dụng các thủ tục tố tụng để xử lý nợ xấu; thủ tục kiểm toán đối với biện pháp bán nợ cho VAMC lấy trái phiếu đặc biệt; thủ tục kiểm toán đối với biện pháp yêu cầu phá sản; thủ tục kiểm toán đối với biện pháp sử dụng quỹ dự phòng để xử lý rủi ro; thủ tục kiểm toán đối với biện pháp xuất toán khoản nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi hệ thống ngoại bảng; thủ tục kiểm toán đối với việc áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/06/2017.            

Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao ý nghĩa thực tiễn và lý luận của đề tài và khẳng định kết quả nghiên cứu có những đóng góp nhất định cho công tác kiểm toán. Đề tài đã hệ thống hóa làm rõ những vấn đề cơ bản về nợ xấu và xử lý nợ xấu tại các ngân hàng thương mại; đã tổng hợp, phân tích và đánh giá thực trạng công tác kiểm toán xử lý nợ xấu; phân tích những mặt đã làm được, chưa làm được và nguyên nhân. Trên cơ sở phân tích thực trạng, đề tài đã đưa ra định hướng, nguyên tắc xây dựng và công tác tổ chức thực hiện thủ tục kiểm toán nợ xấu tại các ngân hàng thương mại; xây dựng các thủ tục kiểm toán tổng hợp xử lý nợ xấu, kiểm toán chi tiết từng hồ sơ xử lý rủi ro cụ thể.

Để đề tài hoàn thiện hơn, Hội đồng đề nghị Ban chủ nhiệm bổ sung dẫn chứng về phân loại nợ; xem xét cân nhắc những nhận định trong đề tài; xây dựng tiêu chí đánh giá, phương pháp tiếp cận dựa trên trọng yếu rủi ro; có thể tham khảo kinh nghiệm nước ngoài.

Đề tài được Hội đồng xếp loại Khá.

PV