ĐOÀN THỂ   HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG   VĂN BẢN   LIÊN HỆ   FAQ   
THÔNG TIN KHOA HỌC
Xây dựng và hoàn thiện mục tiêu, nội dung, tiêu chí và phương pháp kiểm toán hoạt động trong quản lý, sử dụng tài sản do nhà nước đầu tư, quản lý trong kiểm toán ngân sách

Chiều 23/11/2021, Hội đồng khoa học Kiểm toán đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Nâng cao chất lượng kiểm toán công tác quản lý chất thải trong lĩnh vực y tế vì sự phát triển bền vững” do ThS Bùi Thị Minh Ngọc và ThS Nguyễn Thị Hải Yến làm đồng chủ nhiệm. Đề tài do Kiểm toán nhà nước chuyên ngành III chủ trì. ThS Doãn Anh Thơ, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch hội đồng nghiệm thu.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, đặc biệt là sự gia tăng đáng kể về số lượng chất thải, trong đó bao gồm chất thải phát sinh từ lĩnh vực y tế, nếu không được quản lý chặt chẽ có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống và sức khỏe của người dân. Đây cũng là vấn đề được Chính phủ đặc biệt quan tâm và lồng ghép vào Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Với vai trò và trách nhiệm được giao, KTNN Việt Nam đã và đang hướng đến việc phát triển, đẩy mạnh lĩnh vực kiểm toán môi trường (KTMT), chú trọng đến công tác kiểm toán chất thải, trong đó có chất thải y tế. Kết quả bước đầu đã đánh giá được những tồn tại, hạn chế về mặt cơ chế, chính sách cũng như công tác quản lý, triển khai thực hiện nhưng nhìn chung các cuộc kiểm toán được thực hiện mới tập trung vào những mục tiêu riêng lẻ, chưa có sự tổng hợp, kết nối thành một bức tranh tổng thể và gắn với các Mục tiêu PTBV tại Việt Nam. Đề tài “Nâng cao chất lượng kiểm toán công tác quản lý chất thải trong lĩnh vực y tế vì sự phát triển bền vững” do đó được thực hiện nhằm hệ thống hóa các cơ sở lý luận về kiểm toán môi trường trong lĩnh vực quản lý chất thải y tế hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững quốc gia; Đánh giá thực trạng tổ chức triển khai kiểm toán công tác quản lý chất thải trong lĩnh vực y tế của KTNN; Nghiên cứu, áp dụng kinh nghiệm quốc tế; Đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán công tác quản lý chất thải trong lĩnh vực y tế vì sự phát triển bền vững.

Nội dung chính của đề tài thể hiện ở 3 chương: Chương 1 - Tổng quan về công tác quản lý chất thải y tế vì mục tiêu phát triển bền vững; Chương 2 - Thực trạng kiểm toán công tác quản lý chất thải y tế tại Việt Nam; Chương 3 - Giải pháp nâng cao chất lượng KTMT của KTNN. Đề tài đã đưa ra các giải pháp góp phần tăng cường hiệu quả trong công tác kiểm toán việc quản lý chất thải y tế gắn với các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời cảnh báo thực trạng đáng báo động về khối lượng và mức độ nghiêm trọng chất thải y tế xả ra môi trường. Đặc biệt, Đề tài đã làm rõ và nâng cao vai trò của KTNN nói chung và hoạt động KTMT hướng đến sự phát triển bền vững nói riêng. Từ đó, làm cơ sở để KTNN nghiên cứu, triển khai kiểm toán môi trường đối với chất thải không chỉ trong lĩnh vực y tế mà có thể ứng dụng cho các loại chất thải khác trong các năm tiếp theo, qua đó góp phần vào việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Kết quả nghiên cứu còn có ý nghĩa đối với các tổ chức nghiên cứu và đào tạo như là một tài liệu tham khảo phục vụ cho nghiên cứu và đào tạo các nội dung có liên quan như việc xây dựng quy trình kiểm toán chất thải.

Theo ThS Nguyễn Lương Thuyết, Phản biện 1, cơ sở lý luận của đề tài nghiên cứu nhìn chung khá đầy đủ và phù hợp với chủ đề nghiên cứu. Các giải pháp, khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán công tác quản lý chất thải y tế vì sự phát triển bền vững tương đối đầy đủ và phù hợp. Các đề xuất do ban đề tài đưa ra đã dựa trên việc phân tích, luận giải các khía cạnh làm được cũng như chưa làm được trong hoạt động kiểm toán việc quản lý chất thải y tế.

Để hoàn thiện đề tài, ông Phan Trường Giang, phản biện 2 đề nghị ban đề tài cần tiếp tục nghiên cứu rà soát, bổ sung về thực trạng của công tác kiểm toán công tác quản lý chất thải y tế theo các thông tin/nội dung như: Tình hình triển khai việc kiểm toán quản lý chất thải y tế bắt đầu từ khi nào, số lượng cuộc kiểm toán liên quan đến chất thải y tế đã thực hiện, tình hình xây dựng/ban hành các hướng dẫn trong kiểm toán chất thải y tế như thế nào, tổ chức bộ máy, đội ngũ kiểm toán viên, kết quả kiểm toán chủ yếu (đã có như trên nhưng trình bày tóm tắt lại), những tồn tại/hạn chế, khó khăn vướng mắc, nguyên nhân… để từ đó mới đề ra giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán chất thải y tế.

Thay mặt Hội đồng nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Doãn Anh Thơ đề nghị Ban đề tài điều chỉnh lại kết cấu cho phù hợp với tên đề tài, các kiến nghị cần phù hợp với thực tiễn, lưu ý cơ sở pháp lý cho việc thực hiện kiểm toán công tác quản lý chất thải trong lĩnh vực y tế vì sự phát triển bền vững.

Đề tài được Hội đồng đánh giá 83 điểm, xếp loại Khá.

PV