ĐOÀN THỂ   HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG   VĂN BẢN   LIÊN HỆ   FAQ   
HỘI NGHỊ - HỘI THẢO
Kết quả Hội thảo "Những vấn đề đặt ra đối với dự án BOT và vai trò của Kiểm toán nhà nước"
Nhằm phân tích, trao đổi các vấn đề, các khía cạnh liên quan đến việc quản lý đầu tư và kiểm toán các dự án BOT hiện nay dưới giác độ pháp lý, khoa học và thực tiễn để từ đó có những kiến nghị xác đáng với các cơ quan nhà nước trong việc điều chỉnh chủ trương, chính sách và phương thức quản lý các dự án BOT nhằm phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn BOT, ngày 15/9/2016 tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước đã tổ chức Hội thảo “Những vấn đề đặt ra đối với dự án BOT và vai trò của Kiểm toán nhà nước”.
Tổng Kiểm toán nhà nước - TS. Hồ Đức Phớc phát biểu đề dẫn khai mạc và chỉ đạo Hội thảo

Tham gia Hội thảo có trên 150 đại biểu đến từ các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ngành, các cơ quan Trung ương, địa phương, các Hội nghề nghiệp, các Trường Đại học, các Viện nghiên cứu, các Tập đoàn, các Tổng công ty, các chuyên gia, các nhà khoa học, các phóng viên, nhà báo, các hãng thông tấn báo chí, đài truyền hình, phát thanh đã đến dự và đưa tin về Hội thảo. Về phía Kiểm toán nhà nước, tham dự hội thảo có các đồng chí lãnh đạo Kiểm toán nhà nước và đại diện các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước. Tổng Kiểm toán nhà nước - TS. Hồ Đức Phớc đã tham dự và có bài phát biểu đề dẫn khai mạc và chỉ đạo Hội thảo.

Sau một buổi sáng làm việc nghiêm túc, trách nhiệm với tinh thần xây dựng và khoa học, Hội thảo đã hoàn thành chương trình đề ra với 28 bài tham luận đăng trong kỷ yếu, 7 bài tham luận được trình bày và 6 ý kiến trao đổi phát biểu tại hội trường. Các báo cáo tham luận và ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau:

1. Lợi ích của các dự án BOT và thực trạng điều hành quản lý, sử dụng các dự án BOT thời gian qua

Chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư theo hình thức dự án BOT nói chung và trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng của Đảng và Nhà nước trong những năm vừa qua là hết sức đúng đắn và cần thiết, các dự án BOT góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, là động lực phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Những lợi ích mà các dự án BOT mang lại có thể khái quát như sau:

Một là, các dự án BOT đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp trong việc rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, hành khách, tiết kiệm nhiên liệu, giảm chi phí sửa chữa, khấu hao phương tiện…;

Hai là, các dự án BOT làm giảm bớt gánh nặng cho Ngân sách nhà nước trong điều kiện ngân sách eo hẹp;

Ba là, các dự án BOT đã tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và trực tiếp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế;

Bốn là, đây là một hướng đầu tư mới khá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư mà đại bộ phận các nhà đầu tư đều hài lòng với tình hình triển khai thực hiện dự án…;

Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận của các dự án BOT, Hội thảo đã chỉ ra thực trạng và các nguyên nhân (cả khách quan lẫn chủ quan), các vấn đề đặt ra dẫn đến những yếu kém, hạn chế trong thực tiễn điều hành quản lý, sử dụng các dự án BOT trong thời gian qua như:

Một là, công tác đánh giá sự cần thiết, lựa chọn áp dụng hình thức đầu tư dự án BOT để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập;

Hai là, nguyên tắc thị trường chưa được tôn trọng khi thực hiện các hợp đồng BOT;

Ba là, công tác lựa chọn nhà đầu tư chưa minh bạch;

Bốn là, công tác quản lý hoạt động thu phí bị buông lỏng gây nhiều bức xúc cho người dân;

Năm là, việc xác định thời gian thu phí, mức phí, trạm thu phí còn nhiều bất cập, thiếu sót, mức thu phí cao gây bức xúc trong dư luận.

Hội thảo cũng đã thảo luận, phân tích rõ hơn các rủi ro trong vấn đề liên quan đến vấn đề BOT đối với các bên liên quan, phân tích nguyên nhân thuộc về cơ chế, chính sách, các quy định chưa đầy đủ, chưa nhất quán, từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt, công bố dự án đến lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư đến tổ chức, quản lý, kiểm soát cũng như khai thác dự án.

2. Các dự án BOT là đối tượng được kiểm toán của KTNN

Hội thảo có sự đồng thuận cao và một lần nữa khẳng định rằng, các dự án BOT là đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước theo Hiến pháp và pháp luật. Do đó KTNN cần phải tổ chức kiểm toán để có những đánh giá và kiến nghị nhằm đảm bảo công khai minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và sử dụng các dự án BOT.

BOT là dự án xây dựng công trình kết cấu hạ tầng do Nhà nước quyết định trên đất đai thuộc sở hữu toàn dân, phục vụ nhân dân và thuộc trách nhiệm quản lý của Nhà nước. Những công trình kết cấu hạ tầng được hình thành từ hợp đồng BOT là tài sản công, tài sản nhà nước và ở đâu có tài chính công, tài sản công thì Nhà nước cần phải kiểm tra, kiểm soát và ở đây, KTNN là cơ quan có chức năng kiểm tra, đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công được hiến định tại Điều 118 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và Luật KTNN sửa đổi năm 2015.

3. Vai trò của KTNN trong việc đảm bảo trách nhiệm giải trình của các bên liên quan đến dự án BOT

KTNN đảm bảo trách nhiệm giải trình của các chủ thể thực hiện dự án BOT, đó là đảm bảo công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời và đúng thẩm quyền, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, nhà đầu tư và cá nhân có liên quan.

Trách nhiệm giải trình của các chủ thể thực hiện dự án BOT là đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạch định và triển khai dự án BOT. Việc công khai minh bạch trong cơ chế, chính sách trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan đến BOT không những góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công mà còn góp phần ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí một cách hữu hiệu. Chính vì vậy, cần phải chú trọng và nâng cao vai trò của KTNN trong việc đảm bảo trách nhiệm giải trình của các bên liên quan đến các dự án BOT.

4. Giải pháp nhằm nâng cao công tác điều hành quản lý, sử dụng các dự án BOT trong thời gian tới

Trong điều kiện NSNN đang còn eo hẹp, những năm tới, đầu tư BOT vẫn tiếp tục là phương thức đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng và chủ yếu. Để phương thức đầu tư này phát huy hiệu quả đúng vai trò, bản chất và ý nghĩa của nó, Hội thảo đã đề xuất 8 kiến nghị và giải pháp như sau:

Một là, cần rà soát, đánh giá và hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đầu tư theo hình thức đối tác công tư để phù hợp với thực tiễn, tạo khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và thuận lợi trong triển khai các dự án, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân khi thực hiện dự án BOT. Cần ban hành Luật đối tác công tư; thông tư hoặc văn bản hướng dẫn về quyết toán chi phí đầu tư xây dựng công trình, quyết toán hợp đồng dự án PPP, ban hành chính sách, cơ chế thị trường vốn dài hạn đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ…;

Hai là, tăng cường công tác đánh giá sự cần thiết phải triển khai xây dựng công trình kết cấu hạ tầng dưới hình thức BOT, đảm bảo hình thức đầu tư có lợi nhất cho người dân. Bộ GTVT và các địa phương cần rà soát quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông để xác định tuyến đường nào cần đầu tư BOT, tuyến đường nào có thể đầu tư bằng vốn ngân sách và đặc biệt, chỉ nên chấp thuận đầu tư BOT trên các tuyến đường song hành để đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân;

Ba là, tăng cường hoạt động giám sát chất lượng công trình, tránh tình trạng buông lỏng và nghiên cứu nâng mức tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án BOT. Ngân hàng cần có các biện pháp kiểm soát rủi ro khi cấp tín dụng đối với các dự án BOT;

Bốn là, cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến, hạn chế công tác thủ công trong thu phí để giảm thất thoát doanh thu thu phí và tránh ùn tắc giao thông;

Năm là, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán các dự án BOT, đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả; Tăng cường sự giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong việc thực hiện dự án BOT;

Sáu là, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận và sự ủng hộ từ dư luận đối với chủ trương thực hiện và sử dụng chính dư luận để hỗ trợ kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án BOT;

Bảy là, tham khảo kinh nghiệm thành công của một số nước trong việc nâng cao hiệu quả các dự án BOT như Vương quốc Anh, Ấn Độ, Argentina, Braxin, Hà Lan, Nhật bản, Philippines… cũng như kinh nghiệm của một số nước vận dụng chưa thành công trong việc nâng cao hiệu quả thực hiện các dự án BOT như Đức, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia… để từ đó rút ra được bài học kinh nghiệm cho Việt Nam;

Tám là, KTNN cần tăng cường kiểm toán các dự án BOT để phát huy tốt nhất vai trò là cơ quan kiểm tra tài chính công có uy tín và trách nhiệm đảm bảo hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương trong việc quản lý và sử dung tài chính công, tài sản công, đặc biệt cần chú trọng tăng cường hình thức tiền kiểm.

Hội thảo đánh giá cao các bài tham luận và các ý kiến tham vấn của các đại biểu và trân trọng tiếp thu các ý kiến để nghiên cứu, xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước qua hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

Kiểm toán nhà nước đã thông báo kết quả Hội thảo đến các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước để nghiên cứu, tham khảo./.

Trần Thắng