ĐOÀN THỂ   HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG   VĂN BẢN   LIÊN HỆ   FAQ   
THÔNG TIN KHOA HỌC
Vận dụng phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán trong kiểm toán tổng hợp chi thường xuyên ngân sách địa phương

Thực hiện quyết định số 106/QĐ-TrĐT ngày 11 tháng 7 năm 2022 của Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở năm 2021, ngày 03 tháng 8 năm 2022, Hội đồng Khoa học Kiểm toán nhà nước đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở “Vận dụng phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán trong kiểm toán tổng hợp chi thường xuyên ngân sách địa phương” do ThS Đỗ Quang Hiệp và CN Nguyễn Văn Tý (Kiểm toán nhà nước khu vực VII) làm đồng chủ nhiệm. Hội đồng do ThS Trần Kim Lộc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học làm Chủ tịch.

Theo ban đề tài, trong lĩnh vực kiểm toán ngân sách địa phương thì kiểm toán tổng hợp chi thường xuyên giữ một vai trò quan trọng trong việc đánh giá quản lý điều hành ngân sách của chính quyền địa phương. Việc thu thập bằng chứng kiểm toán trong kiểm toán tổng hợp chi thường xuyên ngân sách địa phương là bước quan trọng đê nâng cao chất lượng kiểm toán. Kiểm toán nhà nước đã có hướng dẫn về bằng chứng kiểm toán ban hành kèm theo Quyết định số 03/2018/QĐ-KTNN ngày 28/12/2018. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc do các hướng dẫn chỉ mang tính khái quát. Do vậy Ban đề tài cho rằng việc lựa chọn đi sâu phân tích phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán trong kiểm toán tổng hợp chi thường xuyên ngân sách địa phương là rất cấp thiết.

Với mục tiêu hệ thống hóa cơ sở lý luận về bằng chứng kiểm toán và kiểm toán tổng hợp chi thường xuyên ngân sách địa phương; phân tích, đánh giá thực trạng công tác thu thập bằng chứng kiểm toán trong kiểm toán tổng hợp chi thường xuyên ngân sách địa phương từ đó đề xuất một số giải pháp hoàn thiện phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán trong kiểm toán tổng hợp chi thường xuyên ngân sách địa phương, nhóm nghiên cứu đã tập trung nghiên cứu đánh giá thực trạng thu thập bằng chứng kiểm toán trong kiểm toán tổng hợp chi thường xuyên ngân sách địa phương, giai đoạn 2019-2020 tại 05 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu.

Đề tài theo đó được chia làm 2 chương chính, trong đó Chương 1 trình bày tổng quan về bằng chứng kiểm toán và thực trạng thu thập bằng chứng kiểm toán trong kiểm toán tổng hợp chi thường xuyên ngân sách địa phương của Kiểm toán nhà nước khu vực VII và Chương 2 đề xuất các giải pháp hoàn thiện phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán trong kiểm toán tổng hợp chi thường xuyên ngân sách địa phương của Kiểm toán nhà nước khu vực VII.

Tại buổi nghiệm thu, Hội đồng nghiệm thu cho rằng đề tài đã hệ thống hóa được những vấn đề lý luận về bằng chứng kiểm toán, công tác kiểm toán tổng hợp chi thường xuyên NSĐP. Đề tài cũng đã bước đầu tìm hiểu thực tiễn về việc thu thập bằng chứng kiểm toán trong kiểm toán tổng hợp chi thường xuyên NSĐP của KTNN khu vực VII và đề xuất một số giải pháp, tuy vậy chưa sát với nội dung nghiên cứu.

Để hoàn thiện đề tài, hội đồng đề nghị nhóm nghiên cứu xác định rõ đối tượng nghiên cứu và giải quyết được vấn đề nghiên cứu. Đề tài cũng cần xây dựng cơ sở lý luận về phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán; thu thập bằng chứng kiểm toán trong kiểm toán tổng hợp chi thường xuyên ngân sách địa phương. Đề tài cần trình bày rõ thực trạng vận dụng các phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán trong kiểm toán tổng hợp chi thường xuyên ngân sách địa phương. Các giải pháp được ban đề tài đưa ra khá rộng, liên quan đến hoạt động kiểm toán mà chưa có giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán tổng hợp chi thường xuyên. Hội đồng đề nghị Ban đề tài tiếp thu ý kiến của Hội đồng để hoàn thiện, đặc biệt là phạm vi, phương pháp nghiên cứu và bổ sung các căn cứ để đề tài hoàn thiện hơn.

 

Đề tài được Hội đồng xếp loại Khá.

                                                                                    PV