Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các khu công nghệ cao đang nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư, tạo nên một lực lượng sản xuất mới có trình độ hiện đại thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển với tốc độ nhanh. Với 3 khu công nghệ cao được Chính phủ đầu tư xây dựng thí điểm gồm Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao Đà Nẵng, và Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động thu hút đầu tư đang chuyển biến tích cực, tạo nền tảng để phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ với tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu ngành kinh tế của địa phương; nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, trình độ kỹ thuật và công nghệ; tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu, tiếp thu công nghệ hiện đại và các bí quyết quản lý, giải quyết công ăn việc làm, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần làm gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu, Ban đề tài nhận thấy ngoài các kết quả đạt được, việc đầu tư và thực hiện các mục tiêu phát triển các khu công nghệ cao do Nhà nước đầu tư còn nhiều bất cập dẫn đến việc chưa đạt được mục tiêu dài hạn đặt ra cho các khu công nghệ cao, đồng thời làm thất thu ngân sách nhà nước từ các doanh nghiệp được đầu tư trong khu công nghệ cao.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc thành lập các khu công nghệ cao quốc gia, và việc thực hiện các mục tiêu xây dựng các khu công nghệ cao, Kiểm toán nhà nước đã tổ chức kiểm toán các khu công nghệ cao. Đến thời điểm hiện nay, Kiểm toán nhà nước đã thực hiện 03 cuộc kiểm toán liên quan tới các 03 khu công nghệ cao quốc gia: Dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Đoàn kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2017 tại Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Đoàn kiểm toán Hoạt động đầu tư xây dựng, việc thực hiện các mục tiêu xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh.
Đề tài “Hoàn thiện tổ chức kiểm toán hoạt động việc thực hiện các mục tiêu phát triển các khu công nghệ cao” tập trung nghiên cứu xây dựng hướng dẫn nghiệp vụ, phương pháp kiểm toán cụ thể, để có thể ứng dụng vào thực tiễn hoạt động kiểm toán và giúp Kiểm toán viên nhà nước nâng cao kiến thức, phương pháp tiếp cận và có thể đánh giá một cách toàn diện việc xây dựng và phát triển khu công nghệ cao; giúp nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, phát hiện, kiến nghị xử lý các trường hợp áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế trong khu công nghệ cao không đúng quy định; góp phần tăng hiệu quả hoạt động, đạt được mục tiêu phát triển của các khu công nghệ cao.
Đề tài xác định 4 mục tiêu nghiên cứu chủ yếu: Làm rõ tổng quan về mục tiêu xây dựng các các khu công nghệ cao; các tiêu chí để dự án sản xuất sản phẩm, dịch vụ đáp ứng yêu cầu là sản xuất sản phẩm công nghệ cao; cơ chế hoạt động của khu công nghệ cao; điều kiện để thực hiện các mục tiêu của khu công nghệ cao; Chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong tổ chức kiểm toán việc thực hiện các mục tiêu phát triển các khu công nghệ cao trên cả nước, làm cơ sở đề xuất các giải pháp hoàn thiện; Khảo sát thực trạng công tác kiểm toán việc thực hiện các mục tiêu phát triển các khu công nghệ cao trên cả nước; Qua đó xây dựng Đề cương kiểm toán hoạt động việc thực hiện các mục tiêu phát triển các khu công nghệ cao.
Đề tài được kết cấu thành 3 chương: Tổng quan về mục tiêu xây dựng, cơ chế hoạt động và điều kiện để thực hiện các mục tiêu phát triển các khu công nghệ cao trên cả nước; Thực trạng công tác kiểm toán hoạt động việc thực hiện các mục tiêu phát triển các khu công nghệ cao của Kiểm toán nhà nước; và Hoàn thiện tổ chức kiểm toán hoạt động đầu tư và việc thực hiện các mục tiêu phát triển các khu công nghệ cao.
Nhận xét về Đề tài, các ý kiến thống nhất và đánh giá cao công tác tổ chức thực hiện Đề tài, đảm bảo tiến độ theo hợp đồng. Đề tài được đầu tư thời gian và nghiên cứu công phu với tài liệu nghiên cứu đa dạng, phong phú. “Đề tài nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn trong công tác kiểm toán hoạt động các khu công nghệ cao của Kiểm toán nhà nước, nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của các dự án thuộc khu công nghệ cao cũng như đánh giá việc thực hiện mục tiêu phát triển khu công nghệ cao. Đề tài cơ bản đã khái quát lý luận về khu công nghệ cao và mục tiêu phát triển khu công nghệ cao, đánh giá thực trạng kiểm toán khu công nghệ cao của Kiểm toán nhà nước. Trên cơ sở đó, Ban đề tài đã xây dựng đề cương kiểm toán nhằm hoàn thiện kiểm toán hoạt động việc thực hiện mục tiêu phát triển các khu công nghệ cao của Kiểm toán nhà nước.” - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ nhận xét.
Để Đề tài được hoàn thiện hơn, một số ý kiến Hội đồng cho rằng, Ban chủ nhiệm cần nghiên cứu bổ sung các yếu tố khác liên quan đến tổ chức hoạt động kiểm toán như: phương án tổ chức đoàn, tổ kiểm toán; bố trí nhân sự kiểm toán; công tác phối hợp với đơn vị kiểm toán và các bên có liên quan; công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn; sử dụng ý kiến chuyên gia… Đồng thời, đề nghị cân nhắc lược bớt những nội dung thuộc quy trình chung, không gắn cụ thể với cuộc kiểm toán khu công nghệ cao và bổ sung một số kinh nghiệm quốc tế liên quan đến chủ đề nghiên cứu.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá.
PV