ĐOÀN THỂ   HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG   VĂN BẢN   LIÊN HỆ   FAQ   
TIN HOẠT ĐỘNG
Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán dự án theo hình thức hợp đồng EPC”

Sáng 02/11/2022, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán dự án theo hình thức hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình”. Tới dự Hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, các trường Đại học, các doanh nghiệp, Công ty kiểm toán Deloitte Việt Nam và các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung và Giám đốc Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc chủ trì buổi Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết: Hiện nay, việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng EPC đã được thực hiện tại nhiều dự án, nhất là những dự án có yêu cầu về công nghệ cao. Đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng EPC đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, cho nhà thầu và chủ đầu tư, cho phép tận dụng được trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý của nhà thầu khi thực hiện dự án, gói thầu.

Tuy nhiên, trên thực tế việc quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng EPC vẫn còn bất cập, cơ chế chính sách liên quan còn chưa cụ thể hoặc chồng chéo khiến việc thực hiện các hợp đồng EPC còn nhiều khó khăn, các chủ đầu tư trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm, nhiều dự án còn chậm tiến độ, công nghệ lạc hậu nên các dự án đầu tư theo hình thức EPC chưa phát huy được các lợi ích vốn có của hình thức này, cụ thể:

Thứ nhất, cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý để triển khai thực hiện theo mô hình EPC còn bất cập, thiếu các quy định về điều kiện để dự án đầu tư được thực hiện theo mô hình này.

Thứ hai, nhiều nhà thầu trong nước còn thiếu kinh nghiệm trong quản lý hợp đồng EPC, đặc biệt đối với các dự án mới, công nghệ cao.

Thứ ba, nhiều dự án theo hình thức hợp đồng EPC không đảm bảo tiến độ, chi phí hợp đồng phát sinh tăng, không hoàn thành dự án, không thanh quyết toán được hợp đồng.

Thứ tư, nhiều dự án EPC do tổng thầu nước ngoài thực hiện rơi vào tình trạng phụ thuộc công nghệ nước ngoài, không phát triển được sản xuất vật tư, hàng hóa trong nước.

Thứ năm, công tác giám sát, quản lý các dự án thực hiện theo hình thức EPC của nhà nước còn hạn chế.

Những vướng mắc, bất cập trên đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của các dự án đầu tư thực hiện theo hình thức EPC. Ngoài ra, việc thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan kiểm tra độc lập cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả các dự án này.

 
Toàn cảnh hội thảo

Trong những năm qua, với mục tiêu trở thành công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước, góp phần làm minh bạch nền tài chính quốc gia, KTNN đã tiếp tục đi sâu vào kiểm toán các lĩnh vực có nhiều rủi ro, được dư luận xã hội và cử tri cả nước quan tâm, nhằm góp phần hoàn thiện thể chế, phát hiện và ngăn chặn các sai phạm trong quản lý tài chính, kinh tế, trong đó công tác kiểm toán các dự án đầu tư công được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Kiểm toán nhà nước.

Hội thảo với chủ đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán dự án theo hình thức hợp đồng EPC” nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán mà trong đó tập trung vào việc kiểm toán các dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC, góp phần làm minh bạch, bền vững nền tài chính quốc gia.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 06 bài tham luận, 04 ý kiến thảo luận đến từ một số chuyên gia kinh tế; đại diện của Học viện Tài chính, Tổng hội xây dựng Việt Nam; Bộ Giao thông vận tải; Hiệp hội tư vấn Việt Nam và một số đơn vị của KTNN. Các tham luận, ý kiến đã chỉ ra những mặt được, một số tồn tại của hợp đồng EPC và đưa ra một số giải pháp, kiến nghị. Hội thảo cũng nhìn nhận kiểm toán dự án theo hình thức hợp đồng EPC là một trong những nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm trong hoạt động của KTNN.

Các bài thâm luận đã đề xuất, kiến nghị một số giải pháp để nâng cao chất lượng thực hiện hợp đồng EPC như: Bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định rõ ràng, chặt chẽ đối với hợp đồng EPC; Quản lý hồ sơ mời thầu và quá trình xét duyệt năng lực tổng thầu EPC trước khi ký hợp động EPC cần thực hiện công khai, minh bạch, khách quan và trung thực; Soạn thảo hợp đồng EPC rõ ràng, đầy đủ, chi tiết; Kiểm soát tốt việc điều chỉnh hợp đồng EPC;  sớm ban hành các văn bản, quy định về phương pháp, hướng dẫn kiểm toán trong lĩnh vực hợp đồng EPC, trong đó lưu ý phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu, áp dụng kiểm toán hoạt động trong việc thực hiện kiểm toán hợp đồng EPC; Trong quá trình tổ chức kiểm toán hợp đồng EPC, nếu cần thiết KTNN thực hiện thuê chuyên gia để thực hiện cùng KTNN; Tập trung kiểm toán các nội dung điều chỉnh hợp đồng EPC, nhất là các điều chỉnh liên quan đến vật tư, kỹ thuật, giá trị hợp đồng; Tăng cường đào tạo, phát triển đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước gắn với lĩnh vực chuyên sâu là kiểm toán đầu tư dự án, kiểm toán dự án EPC.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đánh giá cao các bài tham luận, các ý kiến phát biểu, thảo luận tại Hội thảo sẽ được Lãnh đạo KTNN nghiên cứu, tiếp thu tối đa để KTNN xây dựng các giải pháp hữu hiệu, đạt được nhiều thành tựu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó.

                                                                                                         KH