ĐOÀN THỂ   HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG   VĂN BẢN   LIÊN HỆ   FAQ   
THÔNG TIN KHOA HỌC
Ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động của Kiểm toán nhà nước

Chiều 25/10/2023, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Chuyển đổi số quốc gia và các giải pháp ứng dụng vào hoạt động của Kiểm toán nhà nước ” do ThS. Nguyễn Thị Thái Hà và ThS. Trần Thị Phương Huyền - Kiểm toán nhà nước chuyên ngành II đồng chủ nhiệm. Hội đồng nghiệm thu do Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh làm Chủ tịch.

Đại diện cho nhóm nghiên cứu, ThS Trần Thị Phương Huyền cho rằng Thế giới đang thay đổi với tốc độ chuyển đổi số, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực; các công nghệ mới như dữ liệu lớn, Internet vạn vật, điện toán đám mây,…đã và sẽ được sử dụng làm thay đổi phương thức điều hành, hoạt động của các tổ chức, đơn vị. Dữ liệu của đối tượng kiểm toán ngày càng lớn, lớn hơn rất nhiều so với khả năng xử lý của kiểm toán viên, cần thiết phải tiếp cận nhiều công cụ phân tích kiểm toán hiện đại hơn. Kiểm toán nhà nước cần tận dụng những cơ hội mà quá trình chuyển đổi số mang lại, cũng như tìm cách thích ứng với mọi thay đổi trong quá trình chuyển đổi số đang tác động tới các hoạt động chuyên môn.

Với các trụ cột phát triển là khuôn khổ pháp lý, nguồn nhân lực, công nghệ, đều hướng tới việc phát triển Kiểm toán nhà nước phù hợp bối cảnh và xu hướng mới, đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đưa Kiểm toán nhà nước tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số và thích ứng linh hoạt với sự thay đổi quá trình chuyển đổi số; chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số, hướng tới môi trường kiểm toán số bảo mật và tích hợp cao; ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch, công khai hoạt động kiểm toán và kết quả kiểm toán.

Từ nghiên cứu và phân tích thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Kiểm toán nhà nước cũng như tình hình tổ chức hoạt động của Kiểm toán nhà nước, tình hình thực hiện công tác kiểm toán hiện nay, Đề tài được tiến hành nghiên cứu nhằm đề xuất các giải pháp ứng dụng, phương án tổ chức kiểm toán phù hợp, hiệu quả. Trong đó, chú trọng nghiên cứu Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cụ thể: Đánh giá thực trạng chuyển đổi số trong hoạt động của Kiểm toán nhà nước, phân tích kết quả đạt được và những thách thức trong thời kỳ chuyển đổi số; Nghiên cứu, phân tích kinh nghiệm chuyển đổi số của một số cơ quan nhà nước đã và đang triển khai để rút ra bài học kinh nghiệm phù hợp với cơ quan Kiểm toán nhà nước; Nghiên cứu, phân tích kinh nghiệm chuyển đổi số của một số cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới để rút ra bài học kinh nghiệm phù hợp với tình hình Việt Nam.

Các giải pháp hướng tới việc phát triển Kiểm toán nhà nước phù hợp bối cảnh và xu hướng mới, đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư; ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch, công khai hoạt động kiểm toán và kết quả kiểm toán; đưa Kiểm toán nhà nước tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số và thích ứng linh hoạt với sự thay đổi quá trình chuyển đổi số; chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số, hướng tới môi trường kiểm toán số bảo mật và tích hợp cao.

Đánh giá kết quả nghiên cứu của đề tài, các thành viên Hội đồng đánh giá mục tiêu nghiên cứu của Đề tài rõ ràng, cụ thể, thiết thực. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu phù hợp với mục tiêu, đảm bảo xác định được nội dung và cơ sở để khẳng định được kết quả nghiên cứu đúng đắn, sát thực nhằm đạt được mục tiêu đã định. Đề tài là một công trình nghiên cứu công phu, chất lượng, thể hiện được sự nghiêm túc, trách nhiệm của Ban chủ nhiệm trong nghiên cứu.

Để hoàn thiện đề tài, Hội đồng đề nghị Ban đề tài cần phân tích rõ hơn hơn về nguồn lực hạ tầng số, nền tảng dữ liệu để thấy sự khác nhau giữa ứng dụng CNTT và chuyển đổi số gắn với các yếu tố khác trong quá trình chuyển đổi số. Đối với kinh nghiệm kiểm toán các nước về chuyển đổi số, nếu đề tài nghiên cứu, đánh giá được việc ứng dụng các công cụ đó hiệu quả như thế nào trong hoạt động kiểm toán thì sẽ có giá trị hơn trong việc xác định hướng đi và các ưu tiên trong quá trình chuyển đổi số của KTNN Việt Nam. Đồng thời, nếu đưa ra được các bài học cho KTNN Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số thì sẽ có giá trị nghiên cứu cao hơn.

Đối với đánh giá thực trạng chuyển đổi số ở KTNN, nếu Ban đề tài nghiên cứu được các kết quả đánh giá, khảo sát của KTNN về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của KTNN thời gian vừa qua thì Đề tài sẽ có giá trị thực tiễn cao hơn. Đánh giá thực sâu hơn nội dung phần thực trạng tại Chương 2, phân loại rõ nét theo từng nhóm tồn tại, hạn chế gắn với đặc thù hoạt động chuyên môn của KTNN. Đồng thời phân tích rõ nguyên nhân của các nhóm tồn tại làm cơ sở đề xuất giải pháp tại chương 3.

Phó Tổng KTNN Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Ban đề tài nghiên cứu, tập trung hơn đối với một số giải pháp liên quan đến các vấn đề đang vướng mắc trong một số phần mềm hoạt động kiểm toán hiện nay, như: việc cập nhật dữ liệu kết quả kiểm toán, kiến nghị kiểm toán, việc tổng hợp, khai thác dữ liệu trong toàn ngành; giải pháp quy định rõ hơn trong cập nhật, khai thác, có trách nhiệm của các đơn vị,các bộ phận liên quan để dữ liệu được cập nhật liên tục, đầy đủ; Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong môi trường ứng dụng Công nghệ 4.0, đề nghị biên tập rõ hơn để thúc đẩy chuyển đổi số với bối cảnh công nghệ thay đổi một cách nhanh chóng, đội ngũ công chức viên chức KTNN cần có trình độ về CNTT và các đội ngũ chuyên gia công nghệ thường xuyên hỗ trợ, đáp ứng các bài toán nghiệp vụ.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá.

PV