Ở Việt Nam, Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được đưa vào trong Luật Bảo vệ Môi trường và coi đây là một trong những nội dung cần phải thực hiện trong xem xét phê duyệt cho phép dự án thực thi. ĐTM không những là công cụ quản lý môi trường mà còn là một nội dung giúp quy hoạch dự án thân thiện với môi trường, là một phần của chu trình dự án. Báo cáo ĐTM là một quy trình với nhiều mục đích quan trọng. Đó là một hoạt động hỗ trợ cho việc đưa ra quyết sách. Quy trình đánh giá tác động môi trường có thể là cơ sở cho việc đàm phán, thương lượng giữa các chuyên gia phát triển, các nhà quản lý quy hoạch và các nhà đầu tư dự án.
Theo nhận định của các chuyên gia nghiên cứu về môi trường, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng môi trường bị suy thoái như hiện nay cho là do công tác đánh giá tác động môi trường (ĐTM) còn nhiều bất cập, từ quy định pháp lý đến quá trình thực thi. Thêm vào đó, sự phối hợp trong hoạt động kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn với địa phương vẫn chưa thực sự chặt chẽ để thực hiện công tác đánh giá tác động môi trường.
Trong Báo cáo ĐTM của các dự án thuộc các lĩnh vực đầu tư phát triển thì Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án nguồn điện là một trong các Báo cáo quan trọng bởi hiện nay, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam khoảng 48.000 MW. Với tốc độ tăng trưởng sản lượng điện khoảng 10%/năm (theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh) đến năm 2025, dự kiến nhu cầu công suất nguồn điện của hệ thống điện quốc gia sẽ là 90.000 MW, đến năm 2030, sẽ tăng lên khoảng 130.000 MW. Bởi vậy, để bảo đảm nguồn điện cung cấp cho nhu cầu của các ngành kinh tế buộc phải phát triển tất cả các nguồn điện như thủy điện, nhiệt điện, phong điện, điện mặt trời, nhiệt điện khí… trong đó, thủy điện hiện đang đáp ứng khoảng 40%, nhiệt điện than chiếm 34,37%, nhiệt điện khí 25% và các nguồn điện khác. Các dự án nguồn điện đều sử dụng diện tích mặt đất, mặt nước, rừng tự nhiên và tài nguyên than, khí đốt rất lớn nên việc ảnh hưởng đến môi trường xung quanh của các khu vực đặt nhà máy là rất nghiêm trọng.
Để kiểm soát được ảnh hưởng của các dự án thủy điện, chất thải của các nhà máy nhiệt điện than, điện năng lượng mặt trời… đến môi trường cần thực hiện nghiêm túc Báo cáo đánh giá tác động môi trường trước, trong và sau khi thực hiện các dự án. Các Chủ đầu tư nếu không thực hiện, tuân thủ Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và có phương án xử lý thích hợp đảm bảo theo các tiêu chuẩn thì đây sẽ là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chính vì vậy, hiện tại và tương lai Kiểm toán nhà nước cần tổ chức kiểm toán báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án nguồn điện nhằm cung cấp các thông tin cho các cấp quản lý có liên quan có các giải pháp, quyết định phù hợp nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Đề tài “Tổ chức kiểm toán Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án nguồn điện” theo đó được tiến hành nhằm nghiên cứu những cơ sở lý luận, thực tiễn cũng như kinh nghiệm tổ chức kiểm toán môi trường của Kiểm toán nhà nước (KTNN) nhằm đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán về báo cáo đánh giá tác động môi trường để cung cấp các thông tin phục vụ công tác giám sát của Quốc hội và phục vụ công tác quản lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; từng bước nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN.
Qua 3 chương của đề tài, nhóm nghiên cứu đã kiến nghị các nhóm giải pháp liên quan đến Xây dựng nội dung kiểm toán cho cuộc kiểm toán Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án nguồn điện; Xây dựng Chương trình kiểm toán chi tiết đối với Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án nguồn điện; Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao trong hoạt động kiểm toán môi trường; Phát triển, đào tạo nguồn nhân lực; Hội nhập, hợp tác quốc tế về kiểm toán môi trường.
Nhận xét về đề tài, Hội đồng nghiệm thu đánh giá đây là đề tài có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn xuất phát từ bối cảnh Kiểm toán Nhà nước trong một số năm gần đây đã quan tâm đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường, điều này được xác định trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030. Kết quả kiểm toán môi trường của KTNN những năm qua đã chỉ ra một số dự án thực hiện đánh giá tác động môi trường mang tính hình thức, thủ tục, chưa thực sự chú trọng, còn nhiều tồn tại, bất cập. Qua đó, KTNN đã đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao công tác đánh giá tác động môi trường, đồng thời khẳng định vai trò, vị thể của cơ quan kiểm toán trong công tác bảo vệ môi trường nói chung. Chính vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu về hoạt động kiểm toán môi trường hay kiểm toán đánh giá tác động môi trường là hết sức cần thiết, trong đó mục tiêu nghiên cứu của Đề tài nhằm đánh giá thực trạng kiểm toán môi trường của KTNN trong giai đoạn hiện nay và đưa ra những giải pháp cơ bản để tổ chức kiểm toán báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án nguồn điện.
Để hoàn thiện đề tài, Hội đồng đề nghị nhóm nghiên cứu hoàn thiện phần mở đầu, bổ sung lý luận kiểm toán ĐTM, rà soát điều chỉnh phần kinh nghiệm nước ngoài cho phù hợp. Ban đề tài cần xác định rõ đối tượng nghiên cứu để trình bày các nội dung thực trạng. Cần nghiên cứu, làm rõ thêm được các vấn đề về công tác lựa chọn chủ đề, lập kế hoạch kiểm toán hằng năm của KTNN nói chung cũng như các KTNN chuyên ngành, khu vực nói riêng đối với báo cáo ĐTM dự án nguồn điện, các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác tổ chức thực hiện kiểm toán các ĐTM dự án nguồn điện. Trong Chương 3, các giải pháp cần tập trung vào tổ chức kiểm toán ĐTM đối với dự án nguồn điện và cần chỉ ra lộ trình cụ thể.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu thống nhất xếp loại Khá.
PV