ĐOÀN THỂ   HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG   VĂN BẢN   LIÊN HỆ   FAQ   
THÔNG TIN KHOA HỌC
Xây dựng hướng dẫn kiểm toán phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước Việt Nam với các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới

Thực hiện quyết định số 1585/QĐ-KTNN ngày 18/12/2023 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2022, ngày 26 tháng 12 năm 2023, Hội đồng Khoa học Kiểm toán nhà nước đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Xây dựng hướng dẫn kiểm toán phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước Việt Nam với các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giớido ThS Cao Tấn Dương (Vụ Hợp tác quốc tế) và ThS Nguyễn Việt Anh (Kiểm toán nhà nước chuyên ngành Ia) làm đồng chủ nhiệm. Hội đồng do Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung làm Chủ tịch.

Theo Ban Đề tài, “hội nhập quốc tế” đòi hỏi các cơ quan kiểm toán tối cao phải tham gia vào các tương tác đa dạng, đa chiều mà trụ cột là tương tác trong hoạt động chuyên môn. Các khuôn khổ và cơ chế mới đòi hỏi hoạt động kiểm toán được mở rộng hơn, vượt qua ranh giới quốc gia, khu vực để đưa ra lời giải cho những bài toán chung của cả cộng đồng. Thực tế cho thấy, tác động và hệ quả của nhiều vấn đề liên quốc gia (như môi trường, y tế, an ninh mạng, kinh tế quốc tế…) đòi hỏi có sự phối hợp giữa các cơ quan kiểm toán tối cao để ứng phó và giải quyết một cách triệt để và toàn diện. Các chủ đề kiểm toán và hoạt động kiểm toán không còn là vấn đề của từng quốc gia đơn lẻ mà đã trở thành vấn đề toàn cầu, trong đó Việt Nam không phải là trường hợp ngoại lệ.

Cộng đồng Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) và Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) đều xác định vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao trong việc thực hiện kiểm toán phối hợp nhằm giải quyết các nguy cơ chung được cam kết mạnh mẽ tại các Tuyên bố A-bu Da-bi 2017 và Tuyên bố Hà Nội 2018. Trong bối cảnh đó, nhận thức và phương thức ứng phó sẽ quyết định mức độ và tốc độ phát triển của mỗi cơ quan kiểm toán tối cao.

Trên cơ sở đó, đề tài Xây dựng hướng dẫn kiểm toán phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước Việt Nam với các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới tập trung vào 03 mục tiêu: i) Hệ thống hoá những vấn đề lý luận và thực tiễn về kiểm toán phối hợp, khái quát quá trình hình thành và phát triển hoạt động kiểm toán phối hợp và xu thế phát triển kiểm toán phối hợp chủ đạo trong cộng đồng INTOSAI; ii) Đánh giá thực trạng kiểm toán phối hợp giữa KTNN Việt Nam với các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới; nghiên cứu và tổng hợp kinh nghiệm, thông lệ và chuẩn mực quốc tế để rút ra bài học kinh nghiệm; iii) Xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hiện kiểm toán phối hợp giữa KTNN Việt Nam với các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới phù hợp chuẩn mực và thông lệ quốc tế; Xây dựng về đề xuất phương hướng, giải pháp áp dụng hướng dẫn kiểm toán phối hợp với các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới trong điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá đây là nội dung mới, có tính cấp thiết và ý nghĩa thiết thực cao, góp phần nâng cao năng lực của KTNN Việt Nam, đồng thời khẳng định vai trò, trách nhiệm của KTNN trong cộng đồng kiểm toán khu vực và thế giới.

Để đề tài được hoàn thiện hơn, Hội đồng nghiệm thu khuyến nghị Ban Đề tài tiếp tục nghiên cứu, phân tích sâu thực trạng các cuộc kiểm toán phối hợp mà KTNN Việt Nam đã thực hiện (loại hình phối hợp, lựa chọn chủ đề, khung thỏa thuận, điều phối, lập và phát hành báo cáo kiểm toán…); bổ sung phương thức tổ chức cuộc kiểm toán phối hợp; giải pháp, kiến nghị cho vấn đề pháp lý của việc tổ chức cuộc kiểm toán phối hợp giữa KTNN Việt Nam với các cơ quan kiểm toán tối cao khác trên thế giới… Đặc biệt, đề tài cần xác định rõ khái niệm kiểm toán phối hợp để trên cơ sở đó xây dựng hướng dẫn kiểm toán phù hợp.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá Đề tài xếp loại Khá.

PV