ĐOÀN THỂ   HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG   VĂN BẢN   LIÊN HỆ   FAQ   
THÔNG TIN KHOA HỌC
Họp hội đồng tuyển chọn đề tài nghiên cứu khoa học năm 2024

Chiều 02/01/2024, Hội đồng Khoa học Kiểm toán nhà nước đã tổ chức họp Hội đồng tuyển chọn đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ năm 2024. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh làm Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn.

Năm 2024, Thường trực Hội đồng Khoa học Kiểm toán nhà nước đặt hàng đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ với chủ đề “Nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong khu vực công và vai trò của Kiểm toán nhà nước”. Với hai nhóm nghiên cứu đăng ký thực hiện đề tài, Hội đồng tiến hành đánh giá nội dung chuyên môn, năng lực nghiên cứu và tài chính.

Sau khi hai nhóm nghiên cứu trình bày đề cương dự kiến, Hội đồng tiến hành đánh giá, xét chọn theo các tiêu chí được chỉ ra trong điều 14, Quy chế Xét chọn, tuyển chọn, nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học của Kiểm toán nhà nước. Cụ thể, các tiêu chí được áp dụng bao gồm:

Nhóm tiêu chí về mục tiêu và đối tượng, phạm vi nghiên cứu của đề tài, tối đa 10 điểm, với 02 tiêu chí: Tính hợp lý, rõ ràng của mục tiêu nghiên cứu, tối đa 5 điểm; Tính chính xác, cụ thể của đối tượng, phạm vi nghiên cứu, tối đa 5 điểm. Nhóm tiêu chí về tổng quan tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực của đề tài, tối đa 15 điểm, có 2 tiêu chí: Mô tả, phân tích, đánh giá đầy đủ và rõ ràng mức độ thành công và hạn chế của các công trình nghiên cứu có liên quan, tối đa 7 điểm; Luận giải về sự cần thiết, tính cấp bách, ý nghĩa lý luận và thực tiễn mới của đề tài, tối đa 8 điểm. Nhóm tiêu chí về xác định nội dung, phương án tổ chức thực hiện đề tài, tối đa 50 điểm, có 4 tiêu chí: Tính đầy đủ, rõ ràng của các nội dung nghiên cứu để đạt được mục tiêu đề ra, tối đa 20 điểm; Tính hệ thống, lôgic của các nội dung nghiên cứu, tối đa 10 điểm; Cách tiếp cận đề tài và phương pháp nghiên cứu rõ ràng, thích hợp với đối tượng nghiên cứu, tối đa 10 điểm; Tính hợp lý, khả thi của phương án tổ chức các hoạt động nghiên cứu và kế hoạch thực hiện của đề tài, tối đa 10 điểm.

Nhóm tiêu chí sản phẩm, lợi ích của đề tài, tối đa 10 điểm, có 2 tiêu chí: Các sản phẩm rõ ràng, đầy đủ, phù hợp với mục tiêu và nội dung nghiên cứu của đề tài, tối đa 5 điểm; Lợi ích của đề tài đối với việc đóng góp xây dựng chủ trương, hoàn thiện chính sách, xây dựng pháp luật, tối đa 5 điểm. Nhóm tiêu chí về năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài, tối đa 15 điểm, có 3 tiêu chí: Năng lực, uy tín về trình độ chuyên môn của chủ nhiệm đề tài, tối đa 5 điểm; Năng lực của các cá nhân tham gia thực hiện chính đề tài, tối đa 5 điểm; Sự phù hợp giữa chức năng, nhiệm vụ của đơn vị thực hiện đề tài với lĩnh vực nghiên cứu của đề tài tuyển chọn, tối đa 5 điểm.

Nhóm nghiên cứu đạt số điểm cao hơn sẽ được tuyển chọn để giao nhiệm vụ nghiên cứu.

Trên cơ sở đó, Hội đồng đánh giá nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Hữu Hiểu, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đủ điều kiện tiếp tục tiến hành nghiên cứu. Ban đề tài có trách nhiệm hoàn thiện đề cương, thuyết minh theo góp ý của Hội đồng và gửi về Văn phòng Hội đồng Khoa học theo đúng quy định.

 

PV