ĐOÀN THỂ   HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG   VĂN BẢN   LIÊN HỆ   FAQ   
THÔNG TIN KHOA HỌC
Chuẩn bị ý kiến của Kiểm toán nhà nước về dự toán ngân sách nhà nước các cấp

Ngày 09/8, Vụ Tổng hợp và Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đã phối Sáng hợp tổ chức Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm về chuẩn bị ý kiến của Kiểm toán nhà nước về dự toán ngân sách nhà nước các cấp”. Ông Hoàng Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp và ông Hà Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán - đồng chủ trì Tọa đàm. Tọa đàm được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (116 Nguyễn Chánh) kết hợp trực tuyến tại điểm cầu các Kiểm toán nhà nước khu vực.

Trình ý kiến của Kiểm toán nhà nước để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Kiểm toán nhà nước được quy định tại khoản 4 Điều 10 Luật Kiểm toán nhà nước 2015. Đây là một trong những báo cáo thường xuyên hằng năm Tổng Kiểm toán nhà nước phải báo cáo Quốc hội. “Đây là nhiệm vụ quan trọng đã được quy định từ Luật Kiểm toán nhà nước năm 2005, nhưng thực tiễn chỉ đến khi Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 và Luật Ngân sách nhà nước 2015 có hiệu lực, được quy định cụ thể tại Nghị quyết số 343/2017/UBTVQH14 ngày 19/01/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Kiểm toán nhà nước mới chính thức có Báo cáo gửi Quốc hội, cụ thể là từ năm dự toán ngân sách nhà nước 2017 đến nay. Trước đó, Kiểm toán nhà nước có tham gia vào quá trình dự toán ngân sách nhà nước song mới chỉ tham dự họp thảo luận, thẩm tra và mức độ tham gia còn hạn chế” - Vụ trưởng Vũ Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Trong một số năm gần đây, đồng thời với việc ban hành các văn bản hướng dẫn về tham gia, chuẩn bị ý kiến dự toán, chất lượng tham gia của Kiểm toán nhà nước cũng đã được nâng lên. Tuy nhiên, việc tham gia của Kiểm toán nhà nước còn chưa đáp ứng kỳ vọng. 

 

Ông Lê Đình Thăng - Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành II - phát biểu tại Tọa đàm

 

Từ thực tiễn kiểm toán thời gian qua, các đại biểu tại các điểm cầu đã trao đổi sôi nổi, thẳng thắn về các vấn đề mà Tọa đàm đã đặt ra như: thực trạng và nguyên nhân hạn chế trong công tác tham gia ý kiến dự toán ngân sách nhà nước (điều kiện cơ sở pháp lý, các văn bản hướng dẫn, việc tổ chức thực hiện…); chia sẻ các kinh nghiệm những vấn đề cần tham gia ý kiến đối với dự toán ngân sách nhà nước, bao gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương; việc tổ chức thực hiện và áp dụng phương pháp tham gia ý kiến dự toán ngân sách nhà nước; giải pháp để khắc phục và nâng cao chất lượng công tác tham gia ý kiến ngân sách nhà nước.

Để nâng cao chất lượng ý kiến dự toán ngân sách nhà nước, các đại biểu kiến nghị cần: (i) Hoàn thiện khung pháp lý để Kiểm toán nhà nước có thể thực hiện nhiệm vụ trình ý kiến của Kiểm toán nhà nước để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước. Trong hoàn thiện khung pháp lý cần có quy định về thẩm quyền tiếp cận thông tin, tài liệu về dự toán ngân sách nhà nước; (ii) cần bổ sung các quy định để Kiểm toán nhà nước tham gia ý kiến vào dự toán ngân sách nhà nước với Hội đồng nhân dân địa phương,  để ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước có chất lượng thì cần thiết phải tham gia từ cơ sở; (iii) Kiểm toán nhà nước cần chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch trong khuôn khổ pháp luật để có ý kiến về dự toán ngân sách một cách tốt nhất. Kiểm toán nhà nước cần chủ động bố trí lịch biểu thảo luận với các địa phương, các cơ quan trung ương để hiểu rõ ý định chính sách ngân sách, từ đó có ý kiến một cách chất lượng; iv, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có lộ trình và cách thức thảo luận cụ thể về dự toán ngân sách để giúp Kiểm toán nhà nước tham gia ý kiến tốt nhất với chất lượng cao nhất.

 

PV