Trình bày trước Hội đồng nghiệm thu, Ths Đỗ Xuân Long cho biết, thời gian qua, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, các bộ, ngành đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt với sự ra đời của Nghị định số 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, kinh phí giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu là nguồn thu để chi phí hoạt động thường xuyên của đơn vị sự nghiệp công lập. Trong bối cảnh đó, việc lựa chọn phương thức cung ứng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trở nên cấp thiết. Các phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của đơn vị mà còn tác động đến chất lượng dịch vụ công cung cấp cho xã hội. Việc lựa chọn phương thức cung ứng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Kiểm toán nhà nước, những đổi mới của Nghị định số 32/2019/NĐ-CP đã đem lại nhiều lợi ích cho các đơn vị, nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; thúc đẩy các hoạt động của đơn vị, cung cấp sự nghiệp dịch vụ công theo hướng chất lượng, hiệu quả, nâng cao số lượng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ công, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Kiểm toán nhà nước hiện nay vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức phải vượt qua. Chính vì vậy, việc chủ động thay đổi cách thức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, từng bước chuyển từ giao dự toán khoán chi hoạt động thường xuyên như trước đây, sang đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công là một trong những giải pháp, nội dung cần chú trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập tại Kiểm toán nhà nước.
Trên cơ sở các vấn đề lý luận và thực tiễn, đề tài làm rõ thực trạng hoạt động từ năm 2020 đến năm 2022 của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Kiểm toán nhà nước trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước, từ đó, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thông qua cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước tại Kiểm toán nhà nước.
Nhận xét về đề tài, Hội đồng nghiệm thu cho rằng đây là đề tài có tính thời sự và có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn trong bối cảnh hiện nay. Đề tài là công trình nghiên cứu khoa học công phu, kết cấu các chương hợp lý, logic. Đề tài đã hệ thống hóa được những vấn đề lý luận về cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; phân tích được thực trạng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công tại Kiểm toán nhà nước và đánh giá sơ bộ kết quả đạt được, hạn chế của việc áp dụng cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Đề tài cũng thành công trong việc đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập của Kiểm toán nhà nước thông qua cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.
Hội đồng nghiệm thu đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên hội đồng, rà soát chỉnh sửa bổ sung các nội dung cần thiết.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại Khá.
PV