ĐOÀN THỂ   HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG   VĂN BẢN   LIÊN HỆ   FAQ   
THÔNG TIN KHOA HỌC
Phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước

Thực hiện Quyết định số 1714/QĐ-KTNN ngày 16/10/2024 của Kiểm toán nhà nước về việc thành lập Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2023, chiều 14/11, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ “Giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước” do ThS. Đặng Thế Bình - Kiểm toán nhà nước khu vực VIII và ThS. Lê Việt Đức - Kiểm toán nhà nước khu vực X đồng chủ nhiệm. Hội đồng nghiệm thu do GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Kiểm toán nhà nước làm Chủ tịch.

Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, KTNN là một trong 5 cơ quan trực tiếp có trách nhiệm chống tham nhũng, bao gồm: Cơ quan Thanh tra nhà nước, cơ quan điều tra, KTNN, Viện kiểm sát nhân dân và Toà án nhân dân. Đồng thời, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chống tham nhũng, Luật Phòng, chống tham nhũng cũng quy định việc kiểm tra hoạt động chống tham nhũng ngay trong các cơ quan có trách nhiệm chống tham nhũng, nhằm ngăn chặn hành vi lạm quyền, nhũng nhiễu và các hành vi khác vi phạm pháp luật trong hoạt động chống tham nhũng. Là cơ quan kiểm tra tài chính công, tài sản công có trách nhiệm giúp Đảng và Nhà nước góp phần "giữ tiền" và "giữ người" cho đất nước, lãnh đạo KTNN luôn nhận thức rằng trước hết phải "giữ tiền" và "giữ người" cho chính mình; vì vậy, KTNN đặc biệt coi trọng công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngay trong nội bộ ngành.

Với mong muốn nghiên cứu về việc phòng, chống tham nhũng trong nội bộ của cơ quan KTNN và hướng vào hành vi của kiểm toán viên trong hoạt động kiểm toán, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước” tập trung nghiên cứu những vấn đề liên quan đến giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực đối với Kiểm toán viên nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của KTNN ở Việt Nam. Đề tài được kết cấu thành 3 chương, trong đó đưa ra quan điểm và giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán của KTNN.

Thay mặt cho nhóm nghiên cứu, ThS. Đặng Thế Bình, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VIII trình bày quan điểm rằng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán của KTNN là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài, phải tiến hành kiên quyết, liên tục, kiên trì nhưng phải rất khẩn trương. Các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán của KTNN phải phù hợp với các biện pháp chung về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động công vụ, đồng thời phải có những biện pháp đặc thù phù hợp với đặc điểm hoạt động kiểm toán. Bên cạnh đó, cần phát huy tính chủ động, vai trò, trách nhiệm, tinh thần gương mẫu đi đầu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc KTNN. 

 

Hội đồng nghiệm thu cho rằng, đề tài đã từ tình hình hoạt động của KTNN, từ các quy định và đòi hỏi của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động KTNN, nêu và đánh giá thực trang tham nhũng và tiêu cực trong hoạt động kiểm toán của KTNN; nêu rõ những ưu điểm, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân chủ quan, khách quan của những hạn chế và tồn tại. Đề tài đã nêu 3 quan điểm và 6 nhóm giải pháp phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong hoạt động kiểm toán của KTNN, trong đó có giải pháp về vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp; chế độ chính sách đãi ngộ; kiểm tra, kiểm soát, thông tin và truyền thông. Đồng thời đề tài nêu kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước, Kiểm toán nhà nước.

Để hoàn thiện đề tài, Hội đồng đề nghị ban đề tài tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên hội đồng nghiệm thu. Nhóm nghiên cứu nên tiếp cận vấn đề rộng hơn, từ vai trò của KTNN trong phòng chống tham nhũng tiêu cực sau đó tập trung vào phạm vi, đối tượng nội tại trong hoạt động kiểm toán của KTNN. Đối với các giải pháp được đưa ra, đề tài cần tập trung vào các quy chế, vào việc thực hiện kiểm tra giám sát, thanh tra ở 2 góc độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Ngoài ra, đề tài cần rà soát cập nhật thông tin, nhất là các văn bản mới được ban hành.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại Xuất sắc.

PV