Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” đã thể hiện quyết tâm của Đảng phải tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước, nhằm chống tình trạng lạm dụng quyền lực, nâng cao hiệu lực và hiệu quả thực thi quyền lực nhà nước.
Thể chế hóa nguyên tắc quan trọng này, Hiến pháp năm 2013 đã quy định tại khoản 3 Điều 2: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Qua đó đã tạo nền tảng pháp lý cho cơ chế KSQL bên trong bộ máy nhà nước dựa trên việc phân công rành mạch nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp để tạo cơ sở cho cơ chế kiểm soát quyền lực.
Để tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước theo yêu cầu của Đảng và quy định của Hiến pháp, cần phải có các công cụ kiểm soát có hiệu lực và hiệu quả, trong đó có cơ quan KTNN. Với địa vị pháp lý là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, KTNN thực hiện kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và có vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng. Qua gần 30 năm hoạt động, KTNN đã có những bước phát triển vượt bậc, góp phần tăng cường tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; song, trước yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước, hoạt động kiểm toán của KTNN cũng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Từ kết quả nghiên cứu, Ban đề tài đã tổng quan về kiểm soát quyền lực nhà nước; vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực nhà nước; những nhân tố tác động đến việc nâng cao vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực nhà nước; kinh nghiệm của KTNN một số nước trên thế giới về kiểm soát quyền lực nhà nước và phòng, chống tham nhũng; Phân tích, làm rõ thực trạng kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN, từ đó nêu ra các ưu điểm, hạn chế, tồn tại và nguyên nhân của các hạn chế.
Đề tài đã nêu 3 quan điểm và đề xuất 6 nhóm giải pháp nâng cao vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay; kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và KTNN để thực hiện các giải pháp đề ra.
Đánh giá cao giá trị lý luận và thực tiễn của đề tài, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban đề tài phân tích làm rõ hơn, khái niệm, nội dung, hình thức, phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước. Từ đó, làm rõ vai trò của KTNN đối với kiểm soát quyền lực nhà nước gắn liền với các nội dung, hình thức, phương thức kiểm soát quyền lực để có sự gắn kết, thống nhất. Đối với phần thực trạng kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua hoạt động kiểm toán, sung thông tin về các quy định kiểm soát quyền lực trong quản lý tài chính công, tài sản công; kiểm soát quyền lực trong công tác thanh tra, kiểm toán hiện nay để làm rõ vai trò của KTNN.
PV