Để đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán, hoạt động kiểm toán phải được kiểm soát chất lượng. Trong hoạt động kiểm toán, kiểm soát chất lượng kiểm toán là “các chính sách và thủ tục được tổ chức kiểm toán thiết lập nhằm cung cấp sự đảm bảo hợp lý rằng tất cả các Kiểm toán viên của tổ chức thực hiện các công việc kiểm toán tuân thủ mục tiêu và phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực kiểm toán”. Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước qua các lần sửa đổi đã cụ thể hóa khái niệm kiểm soát chất lượng kiểm toán: “Kiểm soát chất lượng kiểm toán: Là hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm toán trong các giai đoạn của cuộc kiểm toán theo Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước nhằm đảm bảo chất lượng kiểm toán; ngăn ngừa, phát hiện và khắc phục các sai phạm, hạn chế trong hoạt động kiểm toán, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán”.
Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước quy định đối tượng kiểm soát chất lượng kiểm toán gồm: Toàn bộ hoạt động kiểm toán trong mỗi giai đoạn của cuộc kiểm toán theo Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; Công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán trưởng, Trưởng đoàn, Tổ trưởng và Kiểm toán viên nhà nước.
Với 5 cấp độ kiểm soát chất lượng kiểm toán, các hình thức kiểm soát chất lượng kiểm toán bao gồm: Giám sát hoạt động kiểm toán đối với Đoàn Kiểm toán nhà nước; Kiểm soát việc tổ chức thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán trưởng; Kiểm soát chất lượng kiểm toán trực tiếp đối với Đoàn kiểm toán , Đoàn kiểm tra kiến nghị; Kiểm soát chất lượng kiểm toán đột xuất; Kiểm tra hồ sơ sau khi phát hành Báo cáo kiểm toán.
Các phương pháp kiểm soát chất lượng kiểm toán được xác định bao gồm: Phương pháp soát xét, thẩm định tài liệu; Phương pháp so sánh, đối chiếu; Phương pháp kiểm tra lại; Phương pháp chuyên gia; Phương pháp thu thập thông tin từ bên ngoài; Phương pháp quan sát.
Tài liệu hướng dẫn chi tiết cách thức tổ chức thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán và hồ sơ kiểm soát chất lượng kiểm toán ở các cấp độ: Cấp độ Tổng Kiểm toán nhà nước, Cấp độ Kiểm toán trưởng, Cấp độ đoàn kiểm toán, đoàn kiểm tra kiến nghị. Ngoài ra, tài liệu còn khái quát thực trạng công tác tổ chức kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước gắn với từng cấp độ kiểm soát, lĩnh vực kiểm soát và một số kinh nghiệm tổ chức kiểm soát chất lượng kiểm toán trong các lĩnh vực.
Hội đồng thẩm định đánh giá tài liệu đã kế thừa được tài liệu cũ và cập nhật, bổ sung các văn bản mới. Để hoàn thiện tài liệu, Ban biên soạn cần biên tập khái quát thành các vấn đề để đảm bảo tính ổn định và khái quát của tài liệu bồi dưỡng. Phần đánh giá thực trạng và giải pháp cần đảm bảo tính logic, gắn kết. Rà soát các giải pháp theo xu hướng chung của INTOSAI.
Hội đồng đánh giá tài liệu đã đạt yêu cầu nhưng cần chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi trình cấp có thẩm quyền ban hành.
PV